Bà Somhatai Panichewa, Tổng Giám đốc điều hành Công ty Amata Việt Nam (thuộc Tập đoàn Amata Thái Lan), đã khẳng định điều này ngày 8-3 tại tọa đàm “Thành phố thông minh và tầm nhìn tương lai”.
“Tập đoàn Amata đang đệ trình Chính phủ Việt Nam chủ trương đầu tư xây dựng một thành phố thông minh ở Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh”, bà Somhatai Panichewa cho hay và khẳng định nếu được chấp thuận, giai đoạn đầu tiên Amata sẽ đầu tư một thành phố thông minh rộng 714 ha.
Bà Somhatai Panichewa đánh giá Quảng Ninh là nơi có vị trí chiến lược tốt để đầu tư. Ảnh: CHÂN LUẬN
Đây chính là một trong những điểm nhấn của kế hoạch mở rộng đầu tư vào miền Bắc Việt Nam sau khi Amata đã đầu tư hiệu quả hai dự án Amata City tại Biên Hòa và Long Thành thuộc tỉnh Đồng Nai.
Trả lời câu hỏi vì sao lại chọn Hạ Long làm điểm đầu tư, bà Somhatai Panichewa cho hay: Từ năm 2014, Amata đã nghiên cứu đầu tư vào Hạ Long. Bởi xung quanh Hạ Long đang có nhiều điều kiện trở thành một trung tâm kết nối.
“Nhật Bản đã đầu tư cảng nước sâu Lạch Huyện (Hải Phòng). Sân bay Cát Bi cũng được nâng cấp thành sân bay quốc tế, bay thẳng tới Bangkok, tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long sẽ kết nối hạ tầng giao thông khu vực Đông Bắc Việt Nam. Đó là những điều kiện rất thuận lợi” - bà Somhatai Panichewa nói.
Đặc biệt, Tổng Giám đốc Amata cũng lưu ý: Quảng Ninh giáp Trung Quốc và hoàn toàn có thể tiếp nhận các nhà sản xuất đang di chuyển ra khỏi đất nước này. “Vị trí chiến lược nhất không phải Hà Nội, TP.HCM mà chính là Quảng Ninh. Do vị trí đặc biệt của Hạ Long nên Amata đặt mục tiêu xây dựng thành phố thông minh tại đó” - bà Somhatai Panichewa khẳng định.
Đại diện một số cơ quan trung ương, doanh nghiệp và hiệp hội cũng chia sẻ những nhận định, quan điểm về việc xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam qua những câu chuyện thực tế.
Đáng chú ý là nhận định của ông Vũ Tú Thành, đại diện Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN. Từ kinh nghiệm thực tế của các doanh nghiệp Mỹ khi triển khai các dự án thành phố thông minh tại Việt Nam, ông Thành cho hay: Lợi ích của các giải pháp thành phố thông minh thì không thể phủ nhận nhưng thực tế triển khai lại “vướng” một số khó khăn.
Ông Vũ Tú Thành nói triển khai các giải pháp thông minh tại Việt Nam cần phải chuyển hướng sang các khách hàng tư nhân. Ảnh: CHÂN LUẬN
“Chẳng hạn với giải pháp về giao thông, nếu muốn triển khai tại một đô thị, thành phố nào đó, thì vấn đề này chẳng những liên quan tới Sở GTVT, mà còn phải đụng tới cả các sở TT&TT, KH&ĐT, Tài chính…” - ông Thành nói.
Vẫn theo ông Thành, giải pháp giao thông thông minh nếu chỉ giao cho ngành giao thông làm “đầu mối” thì rất khó vì còn vướng các sở, ngành khác. Bởi thế, triển khai các giải pháp thông minh thường phải có quyết định từ cấp cao nhất của địa phương. Từ đó thành lập một ban điều phối hoặc chỉ đạo để khắc phục những “chồng chéo” giữa các sở, ngành với nhau, nhất là trong vấn đề phân bổ, sử dụng ngân sách.
Trên thực tế, thành phố thông minh là một định hướng được nhiều lãnh đạo và địa phương rất quan tâm. Tiêu biểu như Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Cuối năm 2017, trong một hội nghị về thành phố thông minh, Bí thư Nhân nói rằng: Muốn có thành phố thông minh thì lãnh đạo phải có tầm nhìn, DN có tầm nhìn, người dân phải có tầm nhìn về sứ mạng của mình một cách dài hạn hơn.
Bí thư Nhân yêu cầu trong năm 2018 phải triển khai năm công cụ dùng chung gồm xây dựng trung tâm dữ liệu tích hợp, trung tâm mô phỏng dự báo, trung tâm về an toàn mạng và điều hành quy hoạch hạ tầng chung…
Đồng thời TP.HCM cũng cần triển khai một số nhánh như giao thông thông minh, giáo dục thông minh, y tế thông minh, giám sát môi trường thông minh; huy động vai trò của người dân tức là tạo thiết bị phần mềm gắn điện thoại di động để người dân góp ý quá trình xây dựng đô thị thông minh.