Sáng nay, ngày 5-2, Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết đơn vị đã tăng cường triển khai các giải pháp về kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng tốc độ tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt của người dân.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công điện 01 về đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, mục tiêu hàng đầu là đảm bảo hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng ổn định, an toàn và thông suốt.
QR code giữ vị trí tăng trưởng số 1
Trong những năm gần đây, hoạt động thanh toán điện tử liên tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ, thói quen thanh toán không dùng tiền mặt của người dân cũng ngày càng phổ biến hơn.
Cùng với nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, số lượng giao dịch chuyển tiền, thanh toán điện tử cũng tăng trưởng cao hơn trước.
Theo thống kê của NAPAS, trong tháng 1-2024, số lượng giao dịch chuyển tiền tăng 5% so với tháng 12-2023 và tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giao dịch rút tiền mặt qua ATM trong tháng 1 năm nay giảm 28% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy nhu cầu rút tiền mặt của người dân ngày càng giảm không chỉ trong năm, mà còn trong cả những giai đoạn cao điểm cận Tết Nguyên đán như hiện nay.
Tương tự, số liệu mới nhất của Payoo vừa công bố cũng cho thấy phương thức thanh toán bằng QR code giữ vị trí số 1 về tốc độ tăng trưởng trong năm 2023.
Cụ thể, thanh toán bằng QR code trong mạng lưới chấp nhận thanh toán của Payoo trên toàn quốc cho thấy giá trị giao dịch của phương thức này tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong khi cùng thời điểm này, thanh toán qua thẻ nội địa ATM chỉ tăng hơn 10%, và thẻ quốc tế tăng khoảng 30%.
Ông Ngô Trung Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Trực tuyến Cộng Đồng Việt cho biết: "Sự tăng trưởng của QR code trong năm qua được sự hỗ trợ từ nhiều yếu tố. Trước hết là nhờ nền tảng VietQR cho phép các nhà bán lẻ - đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) không cần đầu tư hệ thống POS vừa phức tạp vừa yêu cầu cao về quy trình thẩm định, thay vào đó SMEs chỉ cần tự in mã QR code để nhận tiền chuyển khoản từ khách hàng.
Hơn nữa, các giao dịch thanh toán bằng phương thức QR code có mức phí “0 đồng” không chỉ được nhà bán lẻ ưa chuộng mà còn được nhiều khách hàng ủng hộ vì tính tiện lợi, nhanh chóng cho người chuyển và bảo mật thông tin thanh toán".
Ghi nhận của PLO, chiều muộn ngày 3-2, tại siêu thị Mega Market (Xa lộ Hà Nội, TP Thủ Đức) hệ thống thanh toán bằng cách cà thẻ qua máy POS gặp sự cố, nhưng khách hàng vẫn có thể chọn hình thức thanh toán khác như quét mã QR code qua ví điện tử như MoMo, VNpay, ZaloPay. Điều này khiến cho những người có thói quen thanh toán trực tuyến không gặp trở lại gì trong mua sắm ngày Tết.
Ngân hàng - Fintech: Cặp đôi quyền lực
Thống kê của Payoo, tổ chức này ghi nhận tỉ lệ thanh toán tại cửa hàng thường cao gấp 3 lần so với online nhưng chỉ trong thời gian ngắn gần đây. Thanh toán hoá đơn online qua ứng dụng ngân hàng, ví điện tử không những đuổi kịp mà có lúc vượt qua thanh toán tại cửa hàng.
Điều đó cho thấy, nhiều người dân đã chủ động cài đặt các phương thức thanh toán trực tuyến thay vì thanh toán bằng tiền mặt. Đây là bước chuyển mình rất lớn trong thói quen thanh toán của người dân và xu hướng này sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.
Để đáp ứng nhu cầu thanh toán không tiền mặt của người dân được thông suốt, NAPAS tăng cường công tác giám sát thanh khoản của các tổ chức thành viên; bố trí nhân sự liên tục trực 24/7 để sẵn sàng hỗ trợ các ngân hàng, trung gian thanh toán và doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm lễ, Tết.
Ông Nguyễn Quang Minh – Tổng Giám đốc NAPAS cho biết: Trong quá trình hoạt động và phát triển, NAPAS luôn chủ động triển khai, ứng dụng các giải pháp về mặt hạ tầng kỹ thuật, vận hành nhằm phát huy vai trò của đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán và chuyển mạch tài chính, bù trừ cho hệ thống thanh toán bán lẻ quốc gia. Qua đó, đóng góp vào sự ổn định, phát triển của hoạt động thanh toán, cũng như phục vụ tốt hơn nhu cầu thanh toán của người dân và hỗ trợ phát triển các lĩnh vực của nền kinh tế".
Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn, NAPAS sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng thành viên triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường nhân sự 24/7 để cung cấp dịch vụ chuyển tiền, thanh toán một cách an toàn, nhanh chóng cho người dân.
Nhiều năm qua, Fintech (công nghệ tài chính) là cánh tay nối dài của hệ thống ngân hàng. Trong khi ngân hàng tập trung nguồn lực vào nghiệp vụ quản lý dòng tiền và tài khoản của nhà bán, các Fintech với lợi thế về công nghệ sẽ là đơn vị đáp ứng được những đòi hỏi tỉ mỉ của khách hàng doanh nghiệp nhờ tính nhanh nhạy, linh hoạt.
Đơn cử như Payoo, trên nền tảng kỹ thuật sẵn có, đơn vị này đang hợp tác với hơn 40 ngân hàng như HSBC, Citibank, Vietcombank và Vietinbank... để cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (cổng thanh toán, POS, hỗ trợ chuyển đổi trả góp, thu hộ,...) đến các khách hàng có nhu cầu.
“Sự hợp tác giữa Fintech và ngân hàng không chỉ giúp chuyên môn hóa dịch vụ, tận dụng triệt để nguồn lực nhân sự, kỹ thuật và hạn chế việc cạnh tranh trực tiếp với nhau, mà còn giúp các bên gia tăng lợi nhuận trong bối cảnh thị trường luôn đổi mới và biến động”, ông Lĩnh nêu quan điểm.
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN đánh giá hạ tầng thanh toán thời gian qua đã phát triển mạnh mẽ, bình quân mỗi ngày hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý khoảng 40 tỉ USD một cách thông suốt.