Thanh toán số vẫn còn nhiều dư địa để phát triển

(PLO)- Dữ liệu không chỉ giúp các nhà băng xác thực khách hàng mà còn cung cấp đúng loại sản phẩm, dịch vụ mà người tiêu dùng đang tìm kiếm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 17-10, Hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt tại TP.HCM” được Thời báo Ngân hàng và Sở TT&TT TP.HCM phối hợp tổ chức.

Vai trò của dữ liệu khách hàng trong thời đại số

Liên quan đến dịch vụ công, trong thời gian vừa qua, ngân hàng BIDV đã phối hợp với nhiều đơn vị sở ban ngành, trong đó có Tổng cục Thuế để triển khai nhiều dịch vụ công tiện ích, hiệu quả. Cụ thể như kết nối Cổng thanh toán điện tử, thanh toán thuế phí đa phương tiện trên ứng dụng ngân hàng điện tử, thanh toán thuế phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia...

Hay như Agribank đã hoàn thành kết nối hạ tầng thanh toán tới các địa phương, đơn vị để cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho các khoản phí, lệ phí thủ tục hành chính, nộp thuế cá nhân, nộp bảo hiểm xã hội, nộp thuế, lệ phí trước bạ về đất đai, nộp phạt xử lý vi phạm hành chính, nộp tạm ứng án phí…

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhận định: “Dữ liệu và việc phân tích, khai thác, kết nối dữ liệu là yếu tố quyết định tạo nên thành công của quá trình thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.

Dữ liệu không chỉ giúp ngân hàng xác thực, định danh khách hàng mà còn thông qua các ứng dụng công nghệ để phân tích, nắm bắt hành vi và xu hướng tiêu dùng, từ đó đưa ra quyết định trong phát triển, cung ứng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao hiệu quả hoạt động”.

Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), cho biết thêm chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán. Là đơn vị xây dựng hạ tầng thanh toán bán lẻ quốc gia, NAPAS đã và đang xây dựng hạ tầng số hóa thanh toán, để sẵn sàng đáp ứng cho quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực thanh toán hiện tại, cũng như tương lai.

"Đến nay, thị trường đã có đầy đủ các sản phẩm thẻ NAPAS do các ngân hàng, công ty tài chính Việt Nam phát hành phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường, bên cạnh là các giải pháp mới như soft pos và dịch vụ Tap to phone giúp tạo điều kiện cho các đơn vị chấp nhận thanh toán nhỏ có thể được triển khai chấp nhận thanh toán thẻ.

Đồng thời, NAPAS đã phát triển các sản phẩm dịch vụ đa phương tiện, hỗ trợ thanh toán dịch vụ công các lĩnh vực như giáo dục, y tế, giao thông công cộng và các nhu cầu khác của thị trường”- ông Minh nói.

"Thượng đế" phải được lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp

Trong báo cáo “Xu hướng tiêu dùng và thanh toán của người dân trong quý 3-2023” do Payoo vừa công bố cũng cho thấy thanh toán không tiếp xúc đang trở thành hình thức được ưa thích đối với người tiêu dùng. Trong đó, QR code trở thành xu hướng thanh toán phổ biến nhất và tỉ trọng thanh toán QR code ngày càng tăng.

Thông qua Napas, ghi nhận dịch vụ thanh toán QR qua VietQR đã tăng trưởng gấp đôi về số lượng và đạt hơn 100 triệu lượt giao dịch/tháng.

Còn theo thống kê trên nền tảng Payoo, dịch vụ thanh toán QR code trên nền tảng trực tuyến trong quý 3 đang tăng 6% số lượng và 30% giá trị so với quý trước… Một trong những nguyên nhân khiến thanh toán QR dẫn đầu xu thế bởi hình thức này được đón nhận từ doanh nghiệp và cả người dùng.

Đánh giá về những hạn chế, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán NHNN, cho biết việc thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ như viện phí, học phí, tiền nước ở một số tỉnh, nhất là khu vực miền núi còn thấp.

Cá biệt, tỉnh Đắk Nông chưa có khoản thu liên quan đến viện phí qua ngân hàng. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người cao tuổi đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH không muốn sử dụng thanh toán qua ngân hàng vì sợ rủi ro, trục trặc kỹ thuật khi sử dụng.

Đại diện lãnh đạo của Payoo cho rằng, để thị trường thanh toán điện tử có sự đa dạng và hỗ trợ lẫn nhau mà không quá thiên lệch về một hình thức nào, cần có sự điều phối từ nhà nước và các đơn vị tài chính dẫn đầu, gồm ngân hàng, tổ chức thẻ về vấn đề phí.

Mục đích của việc điều phối này là để người dùng được quyền lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp với nhu cầu của họ thay vì quyền lựa chọn hiện nay phần lớn thuộc về các nhà bán hàng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm