Vì sao bà Lê Hoàng Diệp Thảo đề nghị tòa xử kín vụ ly hôn?

Sáng 18-9, sau phần thủ tục, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã quyết định hoãn xử phúc thẩm vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo (SN 1973) và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (SN 1971, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên).

Bên cạnh việc hoãn xử, HĐXX cũng thông báo phiên tòa sắp tới sẽ xử kín để đảm bảo quyền cá nhân, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh theo yêu cầu của bà Thảo.

Trước đó, bà Thảo có đơn gửi đến tòa cho rằng thời gian qua vụ án ly hôn này được đăng tải tràn ngập trên báo và các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. "Với bất kỳ người phụ nữ nào, ly hôn luôn là nỗi đau và việc phải gánh chịu những sóng gió thị phi vì ly hôn còn làm nỗi đau nhân lên gấp bội" - bà Thảo nói và đề nghị HĐXX xử kín theo quy định pháp luật.

Bà Thảo trong phiên sơ thẩm vụ ly hôn.

Theo đơn, bà cho rằng phiên tòa sơ thẩm có một số tờ báo đã khoét sâu vào những mâu thuẫn của vợ chồng bà, làm cho vợ chồng càng căng thẳng. Nếu như trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới tình trạng đó vẫn tiếp tục diễn ra như vậy thì sẽ làm cho gia đình càng thêm đau khổ, vợ chồng càng mâu thuẫn sâu sắc và trầm trọng hơn...

Bàn về việc xử kín, luật sư Trần Hải Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết trước nay tòa chỉ thường xử kín đối với các phiên tòa hình sự vì lý do an ninh, giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên. Vì vậy, ít người bàn luận đến việc xử kín trong phiên tòa dân sự, cụ thể là ly hôn như trường hợp này.

Tuy nhiên, hiện nay Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 15 là tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì tòa án có thể xét xử kín.

Như vậy, việc tòa án xem xét yêu cầu của bà Thảo và chấp nhận như trên là phù hợp với quy định pháp luật. Đồng thời, luật sư Đức cũng giải thích: Xét xử kín có nghĩa là không phải mọi người đều có quyền tham dự như trong trường hợp công khai; trừ HĐXX, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng cần thiết khác, không một ai được ở lại phòng xét xử để tham dự.

Vụ án có thể xét xử kín toàn bộ vụ án hoặc một phần. Tuy nhiên, khi tuyên án là công khai. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm