Lee Nguyễn chuẩn bị trở lại Việt Nam sau năm năm xa cách. Nhân sự kiện này, ông Nguyễn Văn Phẩm, cha của tiền vệ đang thi đấu cho New England Revolution, tiết lộ rằng: "Cuối năm 2014, khi đang ở Texas (Dallas), ông bất ngờ nhận được điện thoại của bầu Đức. Ông ấy nói vẫn theo dõi thông tin về Lee qua báo chí và hỏi rằng Lee có muốn về Việt Nam thi đấu nữa không. Lúc đó, tôi bảo Lee còn hợp đồng với MLS và tôi cũng không quyết định được gì về chuyện này. Tôi bảo ông ấy gọi thẳng cho Lee, lúc đó đang vắng nhà, để hỏi xem ý con tôi ra sao".
Do quý mến tính cách nghĩa hiệp của bầu Đức cũng như sự đối đãi trọng thị với Lee Nguyễn hồi còn ở HAGL, hồi tháng 8-2015, khi về thăm quê ở Bến Tre, ông Phẩm đã gọi điện thoại hỏi thăm ông chủ của HAGL. "Dù khi Lee chia tay HAGL có nhiều chuyện hiểu lầm, bầu Đức lúc nào cũng rộng rãi, không chấp nhặt. Việc ông ấy vẫn quan tâm và chủ động gọi điện thoại hỏi thăm khiến tôi cảm kích. Quả thật rất khó kiếm được một ông chủ CLB nào mà tính cách bình dân, dễ mến như bầu Đức" - cha của Lee Nguyễn chia sẻ.
Bầu Đức và Lee Nguyễn từng tạo nên một "cuộc tình" đẹp ở V-League. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG |
Việc bầu Đức có ý định muốn chiêu mộ lại Lee Nguyễn là có thực. Nhưng thương vụ không còn đơn giản như khi ông bầu này đưa sao gốc Việt từ Rander FC (Đan Mạch) về Việt Nam năm 2009. Lee Nguyễn khi đó vừa hết hạn hợp đồng với Rander FC nên bầu Đức không phải trả phí chuyển nhượng, mà chỉ chi tiền lót tay cùng mức lương "khủng" cho tiền vệ này. Tổng số tiền mà bầu Đức chi cho phi vụ Lee Nguyễn đầu năm 2009, dù không tiết lộ, được cho là không dưới nửa triệu đôla.
Trong khi đó, cuối năm 2014 Lee Nguyễn vẫn còn hợp đồng hai năm với New England Revolution và MLS, vì vậy nếu muốn tuyển mộ thì HAGL phải trả phí chuyển nhượng. Phía New England Revolution từng thách giá 1 triệu đôla cho Hà Nội T&T khi đội bóng của bầu Hiển gửi email sang đặt vấn đề. Trước đó, Revolution cũng ra giá 800.000 đôla với CLB Puebla (Mexico) về mức phí chuyển nhượng.
Thu nhập của Lee Nguyễn ở mùa bóng 2015 vừa qua gồm khoảng 200.000 đôla tiền lương một năm và hợp đồng quảng cáo với Adidas tại Mỹ có trị giá tương đương. Mới đây hãng sản xuất đồ thể thao này cho biết Lee Nguyễn đứng thứ 18 trong top 20 cầu thủ có áo thi đấu bán chạy nhất MLS.
Số tiền lót tay cho Lee Nguyễn chắn chắn không thể nhỏ hơn con số 250.000 đôla mỗi năm mà tiền vệ Việt kiều này đã nhận lúc đá cho Bình Dương. Giá trị của Lee Nguyễn còn được gia tăng khi anh đã có quốc tịch Việt Nam và ra sân với tư cách cầu thủ nội. Để thuyết phục Lee Nguyễn trở về Việt Nam thi đấu, ít nhất phải đảm bảo thu nhập của tiền vệ này phải trên 600.000 đôla mỗi mùa.
Lee Nguyễn khó có khả năng tái xuất trong màu áo HAGL. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG |
Cộng các khoản phí chuyển nhượng và lương bổng, lót tay thì bầu Đức phải chi tối thiểu 1,6 triệu đôla, tương đương 33 tỉ đồng, nếu muốn có sự phục vụ của Lee Nguyễn. Đây là một số tiền không khả thi về mặt kinh tế lẫn quảng cáo thương hiệu với bầu Đức lẫn HAGL Group. Ở mùa bóng 2015 vừa qua, bầu Đức cho biết ông chỉ mất khoảng 13 tỉ đồng để nuôi đội HAGL đá V-League. Do vậy, rất khó để doanh nhân này bỏ ra khoản tiền khổng lồ, có thể đủ nuôi HAGL trong hai năm, chỉ để đổi lấy sự phục vụ của Lee Nguyễn. Chính vì vậy khi thông tin Lee Nguyễn quay lại Việt Nam vào ngày 17-12, phía HAGL đã lên tiếng phủ nhận thông tin về việc liên hệ với cầu thủ này.
Ngay cả những CLB giàu tham vọng như FLC Thanh Hóa, dù đánh tiếng sẽ đàm phán với Lee Nguyễn khi tiền vệ này trở lại Việt Nam, chắc chắn cũng phải cân nhắc khi bỏ ra số tiền quá lớn dù tên tuổi Lee Nguyễn đã được khẳng định ở đẳng cấp thế giới.
Theo Đăng Khoa (VNExpress)