Vì sao Bộ Chính trị tạm dừng thí điểm 4 mô hình tinh gọn bộ máy?

(PLO)- Bộ Chính trị vừa quyết định tạm dừng thí điểm bốn mô hình hợp nhất tổ chức, người đứng đầu một số cơ quan ở cấp tỉnh, huyện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những năm qua, nhiều tỉnh, thành đã thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 của BCH Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Cơ sở cho việc thí điểm, ngoài Nghị quyết 18 còn có Kết luận 34-KL/TW của Bộ Chính trị năm 2018.

Cán bộ Cơ quan Kiểm tra - Thanh tra huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) rà soát hồ sơ. Đây là mô hình hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra - thanh tra ở cấp huyện. Ảnh: daidoanket.vn

Cán bộ Cơ quan Kiểm tra - Thanh tra huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) rà soát hồ sơ. Đây là mô hình hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra - thanh tra ở cấp huyện. Ảnh: daidoanket.vn

Kết quả bốn năm thí điểm

Nhiều tỉnh, thành đã thực hiện thí điểm các mô hình có tính chất nhất thể hóa và tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị với kết quả như sau:

(1) Kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn của chính quyền có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trong đó:

Thí điểm mô hình trưởng Ban Tổ chức cấp ủy đồng thời là giám đốc Sở Nội vụ tại hai tỉnh Quảng Ninh, An Giang. Trưởng Ban Tổ chức cấp ủy đồng thời là trưởng phòng nội vụ tại 83 đơn vị cấp huyện thuộc 25 tỉnh, TP. Ở cấp huyện, đến nay có năm đơn vị đã dừng thí điểm.

Thí điểm mô hình chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đồng thời là chánh thanh tra tại hai đơn vị cấp tỉnh là Bến Tre, Bình Phước; đến nay Bình Phước đã dừng thí điểm. Mô hình này cũng được triển khai ở 81 đơn vị cấp huyện của 22 tỉnh, TP. Đến nay, một đơn vị cấp huyện dừng thí điểm.

Về mô hình chánh Văn phòng cấp ủy đồng thời là chánh Văn phòng HĐND, UBND cấp huyện, đã triển khai ở ba đơn vị cấp huyện của ba tỉnh, TP.

(2) Hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn (hoặc tham mưu) thuộc UBND có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trong đó:

Hợp nhất Ban Tổ chức với cơ quan nội vụ cấp tỉnh tại một tỉnh là Hà Giang, đến nay đã dừng thí điểm. Mô hình này được thử nghiệm ở 58 đơn vị cấp huyện của 14 tỉnh, thành; đến nay năm đơn vị của tỉnh Hà Giang đã dừng thí điểm.

Mô hình hợp nhất cơ quan Ủy ban Kiểm tra với thanh tra được thực hiện ở một đơn vị cấp tỉnh là Hà Giang nhưng cũng đã dừng thí điểm. Mô hình này cũng đã được thử nghiệm tại 57 đơn vị cấp huyện của 12 tỉnh, TP. Trong đó đến nay, 14 đơn vị đã dừng thí điểm.

Về mô hình hợp nhất ba văn phòng, mới thực hiện ở cấp huyện với tổng số 66 đơn vị của 20 tỉnh, TP. Đến nay, 12 đơn vị đã dừng thí điểm.

(3) Trưởng Ban Dân vận đồng thời là chủ tịch MTTQ: Đã triển khai ở cấp tỉnh tại 26 tỉnh, TP; trong đó tám địa phương đã dừng thí điểm. Mô hình này được triển khai bài bản, rộng khắp nhất ở cấp huyện, với 540 đơn vị thuộc 62 tỉnh, TP.

(4) Tổ chức lại Đảng bộ khối doanh nghiệp cấp tỉnh theo ba phương án. Kết quả, năm tỉnh, TP kết thúc hoạt động Đảng bộ khối doanh nghiệp cấp tỉnh; 38 tỉnh hợp nhất Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh và Đảng bộ khối doanh nghiệp cấp tỉnh; sáu tỉnh, TP vẫn duy trì nhưng tinh gọn bộ máy, tập trung vào công tác xây dựng Đảng…

(5) Hợp nhất các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện: Có ba tỉnh tổ chức triển khai thí điểm theo các mô hình khác nhau. Trong đó, Lào Cai hợp nhất Sở GTVT và Sở Xây dựng thành Sở GTVT - Xây dựng; Bạc Liêu hợp nhất Sở TT&TT với Sở VH-TT&DL thành Sở Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch, hợp nhất Sở KH&CN với Sở GD&ĐT thành Sở Giáo dục, KH&CN; Bình Thuận hợp nhất năm phòng chuyên môn thuộc UBND huyện Phú Quý thành hai phòng.

Các mô hình tổ chức mới này dù có ý nghĩa thử nghiệm về nhất thể hóa, tinh gọn bộ máy nhưng quá trình thực hiện lại thiếu đồng bộ.

Cần tiếp tục kiên trì sáng tạo, đổi mới

Sau bốn năm thí điểm, Ban Tổ chức Trung ương đã đánh giá, sơ kết việc thực hiện Kết luận 34, cho thấy chỉ một số địa phương chủ động, tích cực triển khai. Còn lại thì chưa thực sự quyết liệt, hoặc chủ quan, nóng vội, hoặc lúng túng, chủ yếu chỉ triển khai ở phạm vi hẹp, cấp huyện.

Đáng chú ý, việc thí điểm các mô hình tổ chức mới này dù có ý nghĩa thử nghiệm về nhất thể hóa, tinh gọn bộ máy nhưng quá trình thực hiện lại thiếu đồng bộ. Chẳng hạn, hệ thống quy định về tổ chức, hoạt động của các mô hình tổ chức mới chưa được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời, đồng bộ và phù hợp để tổ chức mới vừa tham mưu, giúp việc cấp ủy, vừa thực hiện chức năng cơ quan chuyên môn của chính quyền cùng cấp. Việc này khiến người đứng đầu các tổ chức được thí điểm lúng túng, dễ gặp rủi ro khi thực thi nhiệm vụ.

Dù kết quả thí điểm các mô hình tinh gọn, nhất thể hóa này chưa cao, chưa tạo ra đột phá nhưng trên cơ sở sơ kết và từ đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương, các cơ quan liên quan, đến thời điểm này, Bộ Chính trị đánh giá việc triển khai Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương và Kết luận 34 của Bộ Chính trị khóa XII đã “đạt được một số kết quả bước đầu”. Qua đó giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phát huy sự chủ động, sáng tạo của một số cấp ủy địa phương trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.

Dù tạm dừng thí điểm bốn mô hình nhưng Bộ Chính trị yêu cầu các địa phương vẫn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo sơ kết các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy, kiêm nhiệm chức danh. Để qua thực tiễn sinh động ấy góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tạo cơ sở để tiếp tục xem xét, triển khai những mô hình phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới.•

Bốn mô hình được tạm dừng thí điểm

Bộ Chính trị ra Thông báo 16-TB/TW ngày 7-7, quyết định tạm dừng thí điểm bốn mô hình: (1) Hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; (2) Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy tỉnh, huyện đồng thời là chánh thanh tra cùng cấp; (3) Trưởng Ban Tổ chức cấp ủy tỉnh, huyện đồng thời là giám đốc Sở Nội vụ, trưởng Phòng Nội vụ cùng cấp; (4) Chánh Văn phòng cấp ủy huyện đồng thời là chánh Văn phòng HĐND và UBND cùng cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm