Vì sao Bộ Công Thương lại kiến nghị xuất khẩu gạo bình thường?

Chiều 27-4, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng về phương án xuất khẩu gạo trong tháng 5 và thời gian tới.

Tại báo cáo này, Bộ Công Thương kiến nghị kể từ ngày 1-5 dừng cơ chế điều hành xuất khẩu gạo quy định tại Văn bản số 2827/VPCP-KTTH ngày 10-4 của Văn phòng Chính phủ. Cũng kể từ ngày 1-5, cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15-8-2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Vì sao Bộ Công Thương kiến nghị xuất khẩu gạo bình thường trở lại?

Theo Bộ Công Thương, kiến nghị này dựa vào căn cứ bối cảnh trong nước và ngoài nước, xét mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm khó khăn nhất đã đạt được, trên cơ sở các số liệu mới nhất về cung - cầu gạo trong nước trước khi bước vào vụ Hè Thu.

Bối cảnh trong nước là đến lúc này, công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam đã đạt được kết quả tích cực, dịch bệnh về cơ bản được khống chế dù nguy cơ lây nhiễm vẫn còn. Nguồn cung thóc gạo vụ Đông Xuân tại khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã ổn định và đang thu hoạch thuận lợi; tại khu vực Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên về cơ bản đã thu hoạch xong và được mùa.

Bộ Công Thương cho biết sau khi tính toán, với tổng lượng gạo có thể xuất khẩu khoảng 3,2 triệu tấn, sau khi trừ đi lượng gạo dự kiến xuất khẩu trong bốn tháng đầu năm 2020, lượng gạo còn lại có thể xuất khẩu trong thời gian từ đầu tháng 5 tới giữa tháng 6 (thời điểm vụ Hè Thu thu hoạch rộ) là khoảng 1,3 triệu tấn (chưa tính lượng gạo hàng hóa được bổ sung từ thu hoạch sớm tại một số vùng trong nửa cuối tháng 5, dự kiến khoảng 100.000 ha). 

"Qua theo dõi của Bộ Công Thương, trong vòng năm năm trở lại đây, với năng lực thông quan của các cảng/cửa khẩu quốc tế hiện nay, ta chưa khi nào xuất khẩu được 700.000 tấn gạo/tháng.

Như vậy, kể cả trong trường hợp tháng 5 xuất khẩu được 700.000 tấn, ta vẫn còn tồn ít nhất là 600.000 tấn trong nửa đầu tháng 6, trước khi được bổ sung nguồn cung từ vụ Hè Thu thu hoạch rộ" - báo cáo của Bộ Công Thương nêu.

Về bối cảnh ngoài nước, Bộ Công Thương cũng lo ngại khả năng giá gạo thế giới sẽ giảm. Nguyên nhân là hiện Ấn Độ dự báo sẽ cân nhắc nới lỏng lệnh phong tỏa vào ngày đầu tháng 5 khi dịch COVID-19 tại nước này tích cực hơn. Sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, dự kiến Ấn Độ sẽ cung ứng ra thị trường thế giới một lượng gạo tương đối lớn.

Đồng thời, một số nước đã chủ động tự túc nguồn cung lương thực hoặc bổ sung dự trữ lương thực từ nhiều nguồn khác trong một tháng qua nên khả năng hút hàng từ Việt Nam không còn đáng báo động như thời điểm cuối tháng 3-2020.

Một lý do khác cũng được Bộ Công Thương đưa ra là việc xuất khẩu gạo của Việt Nam cần cân nhắc thêm yếu tố đối ngoại. "Bên cạnh vấn đề an ninh lương thực quốc gia, còn có vấn đề nhân đạo mà Việt Nam, với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm trước các vấn đề toàn cầu, không thể không lưu ý đến, nhất là khi ta đảm nhiệm vị trí chủ tịch ASEAN năm 2020" - báo cáo cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm