Cà phê trở thành thói quen của người tiêu dùng Việt, bất kể là nam hay nữ. Họ có thể sử dụng chúng vào các buổi trong ngày. Theo một nghiên cứu của IAM về thói quen sử dụng cà phê, 65% người Việt uống cà phê bảy lần trong tuần, trong đó nam giới chiếm 59%. Như vậy có thể thấy cà phê trở thành đồ uống thông dụng, và được nhiều người lựa chọn. Nguyên nhân do đâu?
Theo thông tin từ Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, cà phê được yêu thích bởi caffine có trong chúng. Chất này có nhiều trong loại cây khác như lá trà, hạt ca cao, chocolate... Đây là chất kích thích hệ thần kinh trung ương và lợi tiểu. Khi uống cà phê, caffeine sẽ được hấp thu và phân tán nhanh chóng. Sau khi hấp thu, caffeine đi vào não, làm cho ta sảng khoái, vui vẻ, hưng phấn, ý nghĩ đến nhanh. Do đó nhiều người uống chúng để chống lại buồn ngủ hoặc tạo sự hưng phấn phục vụ cho công việc hằng ngày.
Người Việt lựa chọn cà phê để tỉnh táo khi làm việc. Ảnh: Hạ Quyên
Ngoài ra, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM còn cho hay caffeine còn được dùng để điều trị chứng đau đầu migrain và làm giảm lo âu hay buồn ngủ trong thời gian ngắn. Chất này thường được kết hợp trong những thuốc bán không cần kê toa như thuốc giảm đau, thuốc cảm. Nó không có vị và có thể được tách ra khỏi thực phẩm bằng quá trình hoá học gọi là khử caffeine.
Tuy nhiên đi kèm những lợi ích là tác hại khi sử dụng cà phê không đúng cách.
"Phụ nữ đang mang thai không nên uống nhiều cà phê vì nồng độ cao có thể sẽ gây sẩy thai hoặc đẻ non, do caffeine được hấp thu qua nhau thai. Đối với phụ nữ thời kỳ mãn kinh cũng nên hạn chế sử dụng cà phê vì nó có khuynh hướng tăng nguy cơ loãng xương", Trung tâm dinh dưỡng đưa ra cảnh báo.
Không chỉ thế, uống quá nhiều cà phê sẽ làm nhịp tim nhanh, tiểu nhiều, buồn nôn, nôn, kích thích, lo lắng, bồn chồn, run rẩy và khó ngủ.
Uống quá nhiều cà phê khiến tim đập nhanh, mất ngủ... Ảnh: H.Q
Nhiều người tin rằng, cà phê có tác dụng giải rượu do tác dụng lợi tiểu, nhưng các bác sĩ dinh dưỡng đã cho rằng đây là một sai lầm. Caffeine có trong cà phê còn làm tăng tích trữ cholesterol, tức tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, uống nhiều sẽ có nguy cơ gây nhồi máu cơ tim gấp hai lần so với người không uống.
Trong thể thao, caffeine có tên trong danh sách doping của Ủy ban Thế vận hội quốc tế (IOC). Tuy nhiên, hàm lượng tiếp thu vào trong người đủ để bị cấm là rất cao (định nghĩa dương tính đối với caffeine là khi nồng độ trong nước tiểu trên 12 microgam/ml). Vì vậy, các vận động viên có thể uống một tách cà phê trong bữa ăn sáng.