Theo một tài liệu của người Pháp thì năm 1905, đường xe lửa Sài Gòn- Nha Trang được tái lập sau một thời gian bị ngưng trệ vì Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer về nước.
Ông Doumer giữ chức Toàn quyền Đông Dương từ 1897 đến 1902 sau này là Tổng thống Pháp và là người đốc thúc mạnh mẽ cho việc xây dựng tuyến đường sắt xuyên Đông Dương. Sau khi ông Doumer về nước, đoạn thiết lộ chạy qua Long Khánh hiện nay được người Pháp thực hiện trong thời gian 1905-1908. Ngoài việc đưa công nhân đến thi công, người Pháp còn cử một toán lính tập đến khu vực này để lập đồn bảo vệ an ninh cho nhóm công nhân hỏa xa gọi là đồn Xuân Lộc.
Ngã ba Ông Đồn hiện nay.
Năm 1907, tuyến đường sắt thi công đến núi Chứa Chan (ga Bảo Chánh) và xe lửa bắt đầu hoạt động.
Năm 1908, tỉnh Biên Hòa cho thành lập quận Núi Chứa Chan, trụ sở đặt tại Gia Ray. Họ triển khai xây dựng Văn phòng quận, bót gác, trạm bưu điện và đồn thủy-lâm. Quận trưởng đầu tiên và duy nhất của quận Núi Chứa Chan là ông Odorra đã thành lập ba xã gồm Gia Ray, Bình Lộc và Tân Lập. Quận trưởng Odorra tổ chức cho những nhóm người Kinh len lỏi vào các làng người dân tộc thiểu số móc nối, thuyết phục họ quy tụ thành xóm, ấp. Chỉ trong thời gian ngắn quận Núi Chứa Chan lập thêm được 6 xã mới gồm Thọ Vực, Bảo Dinh, La Mưng, Thoại Hương, Bảo Liệt và Bảo Chánh hợp thành Tổng Tập-Phước.
Khi việc di dân lập ấp ở quận Núi Chứa Chan hoàn tất, quận trưởng Odorra quyết định dời quận đường về núi Võ Đắt (Đức Linh, Bình Thuận ngày nay), tên của quận cũng được đổi lại là quận Núi Võ Đắt.
Vẫn với cách làm cũ, quận trưởng Odorra đã lập thêm được Tổng Bình Tuy gồm ba xã Túc Trưng, Vĩnh An và Lý Lịch. Trong năm 1911, nhiều tài liệu của người Pháp và người Việt cho biết, quận trưởng Odorra cùng các cộng sự nỗ lực tìm kiếm thuyết phục các làng người dân tộc ở Tà Lài, Bòn Buôn, Đa Kai… tiếp tục quy dân lập ấp về quận mới.
Các đồn điền Suzannah ở Dầu Giây, Xuân Lộc.
Tuy nhiên trong giai đoạn này, một sự kiện lớn đáng lưu ý là việc thành lập các đồn điền cao su Suzannah ở Dầu Giây năm 1907 với tên gọi ban đầu là Société Agricole Suzannah. Sau đó đến lượt thành lập các đồn điền Xuân Lộc, An Lộc. Đến 1909, đồn điền Suzannah đã khai thác gần 400 mẫu cao su. Sự phát triển vượt bậc của các đồn điền cao su thời điểm đó chính là nguyên nhân đưa tới quyết định của tỉnh Biên Hòa bãi bỏ quận Núi Võ Đắt và thành lập quận Xuân Lộc vào năm 1912 với tân quận trưởng Andouard.
Người Pháp sau đó đã cho lập một cái tháp ngay ngã ba như một đồn binh để vinh danh và tưởng niệm ông Odorra, một giới chức chỉ huy hành chính đã có công khai mở vùng núi Chứa Chan- Võ Đắt trong giai đoạn 1908-1912 nên người dân từ đó gọi là Ngã ba Ông Đồn.