Chuyến xe lửa chiều Dĩ An

Để không làm gián đoạn tuyến xe lửa Bắc-Nam, Tổng Công ty Đường sắt phải tạm mở tuyến TP.HCM - Dĩ An mỗi ngày sáu chuyến. Lúc ấy tôi được biết chuyến tàu sẽ được đảm bảo hành trình đúng giờ, trung bình từ ga Sài Gòn đến ga Dĩ An chỉ mất hơn 40 phút với giá vé 5.000-10.000 đồng/chuyến.

Chưa bao giờ đi xe lửa lên Dĩ An nên tôi cũng mua vé đi chơi cho biết đi xe lửa tuyến này “nó ra nàm thao” vì trong đầu tôi vẫn còn ấn tượng về một bài viết về chuyến xe lửa Sài Gòn - Dĩ An vào năm 1972 của tác giả Thu Hippy. Bài viết rất là thảm thiết, rất làm chạnh lòng người sắp lên ga.

Chỉnh giờ, mở tour tàu ngoại ô cuối tuần - ảnh 2Khách đi tàu TP.HCM - Dĩ An. Ảnh: Lưu Đức - Hoàng Tuyên

“Em tới sân ga vào một buổi sáng u ám. Hành khách đông lắm các cụ ơi, 7-8 toa mà đông nghẹt à. Leo lên toa tàu, là em bắt đầu hưởng mùi mồ hôi dầu lẫn lộn mùi quà bánh, nước miếng quết trầu, mùi quần áo, loại quần áo ít được giao thiệp với xà bông, tất cả tạo nên một mùi đặc biệt làm cho em hết mơ mộng hẳn…”.

“Bị xô đẩy một hồi em mới kiếm được một chỗ ở góc toa, tuy nóng nhưng còn giữ được an ninh ở sườn phải, sườn trái và phía sau. Còn phía trước thì em để cái làn đi chợ như một bức bình phong cản các đợt tấn công liên tiếp của mấy kép cứ giả vờ bị dòng đời lôi cuốn”.

“Đi 35 phút tới Thủ Đức rồi Dĩ An rồi Biên Hòa. Ôi mấy cái ga bên đường. Các cụ đã xem phim cao bồi Mẽo thấy nhiều cái ga miền Viễn Tây rất nản, vậy mà xem ra vẫn còn lịch sự nhiều so với mấy cái ga của ta ở vào giai đoạn phát triển hết mình. Cũng có đồng hồ nhưng rất tiếc không có kim chỉ giờ chỉ phút, cũng có đường rầy nhưng cỏ mọc rêu phong, cũng có phòng chờ đợi nhưng được Tây nó xây lên từ hồi Thống chế Pê Tanh còn là chuẩn úy và chưa có râu và từ ngày đó không quét vôi lại với mục đích bảo tồn di tích lịch sử. Hành khách chờ đợi hoàn toàn tự do, có cụ già râu tóc bạc phơ nghiêm trang đứng đi tiểu vào bụi cây trông xa như đang ngắm cây cảnh, vài kép có lẽ là nhà banh ngồi xệp xuống đường rầy, khuy áo hở đến bụng, tay cầm xị rượu đế, vừa uống vừa nói chuyện đệm thêm mấy tiếng chửi thề ...” (NV có chỉnh sửa vài từ cho lịch sự!).

“Tầu thong thả đến, hành khách thong thả rời đường rầy, vội vàng xô đẩy nhau lên tàu và tầu vội vàng đi. Em thích tầu hỏa của mình vì nó diễn tả thật tinh vi cái triết lý sống cao siêu của Đông phương nghĩa là ưa nhàn tản, thời gian chả có nghĩa lý gì giữa cái mênh mông vô tận của vũ trụ. Giờ trên bảng là 6 giờ rưỡi chiều tầu đến, 7 giờ tầu mới đến, cũng chả sao. Nghĩa lý gì nửa tiếng đồng hồ đối với cái vô cùng của không gian”.

“Con tầu đến và con tầu đi, lạnh lùng như cuộc sống máy móc. Ở ga Dĩ An, một bà cụ có gánh rau muống, mới cho được một bên gánh lên tầu thì tầu chạy. Bà cụ đang đứng ở bậc lên xuống, bỡ ngỡ một chút rồi đành nhìn theo một bên gánh còn lại một cách buồn bã. Kép soát vé cười bình thản, vụ nầy xảy ra hoài mà”.

“6 giờ chiều tàu khởi hành về Sài Gòn. 6 giờ 15 thì đúng hơn, chắc còn chờ đổ xăng. Buổi chiều còn đông ác nữa. Lại diễu hành qua Dĩ An, Thủ Đức, Phú Nhuận… người lên nhiều, kẻ xuống ít. Lại nhìn lại những căn nhà xiêu vẹo, đổ nát mệnh danh là nhà ga, với quý vị hành khách lổn nhổn chờ con tầu bất thường như một nàng con gái nhà giàu, những nhà ga “thơ mộng”, rêu phong cỏ mọc với rất nhiều chó chạy tung tăng…”.

“Con tầu hiền lành như vậy mà nghe kể lại đụng người ta hoài các cụ ơi. Đụng các đấng nhi đồng ở hai bên đường mải chơi quên mất con tầu sắp đến, đụng người đi xe đạp, đụng cả xe vận tải, đụng hoài… Và con tầu, sau tai nạn, lại lên đường. Và lắc lư con tầu đi…”.

Cái vụ tàu đụng người nghe quen quen nhưng dầu sao những điều Thu Hippy mô tả chỉ là điều quá vãng. Tôi được đi tàu êm ru, đúng giờ, hành khách - ngay cả những người đến ga Dĩ An để trung chuyển đi về phía Bắc thì cũng lịch sự vì ghế ghiếc có số, có má đàng hoàng. Tôi vội chép lại bài báo nầy như để biết một đoạn tàu của quá khứ xa tít mù. Xe lửa - dù chưa chạy như lửa theo mong muốn vì đường ray vẫn còn thời “Thống chế Pê Tanh còn là chuẩn úy và chưa có râu” nhưng toa tàu và ga đã có thay đổi chút đỉnh theo thời đại.

Chỉ tiếc là sau bốn tháng vận hành, tuyến TP.HCM - Dĩ An không còn nữa để khách Sài Gòn tham quan du lịch Dĩ An rồi lên Biên Hòa - Cù Lao Phố. Biết đâu được, nếu còn tuyến xe lửa này thì sẽ có tua du lịch mới mở ra cho khách muốn thăm lại vùng đất Nông Nại Đại Phố- Gia Định phủ ngày xưa cũ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm