Theo thư mô tả thì bạn bị bệnh dạ dày mạn tính. Đau dạ dày mạn tính là tên gọi chung, thực tế là một bệnh rất phức tạp, do nhiều nguyên nhân như vi khuẩn, thuốc điều trị bệnh khác, kể cả do thần kinh thực vật...
Tuy nhiên, để điều trị, cần được thăm khám và chẩn đoán cụ thể. Đặc biệt qua nội soi sẽ biết vị trí viêm loét và qua đó lấy tế bào làm giải phẫu để tìm nguyên nhân gây loét. Nếu nguyên nhân do vi khuẩn H.pylori thì cần điều trị kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu dạ dày tăng toan nhiều (bệnh nhân bị ợ chua, nôn nao, cảm thấy nóng ruột, ăn nhiều nhưng dễ đói) có thể ăn thêm rau xanh nhiều xơ, bánh bích quy... Kiêng ăn các thực phẩm ướp hoặc xào rán, ít ăn các thực phẩm muối mặn (dưa cà muối) và các loại bánh quá ngọt.
Khi mắc bệnh này, người bệnh cần thực hiện các quy tắc ăn uống, sinh hoạt sau đây:
- Không sử dụng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê đặc hoặc trà đặc. - Ăn uống thanh đạm, ăn những thứ dễ tiêu hóa.
- Tránh ăn chua, ăn nguội, quá nóng, quá cay và đồ khô rắn, tránh để đói hoặc no quá.
- Khi ăn phải nhai chậm, nhai kỹ sẽ có lợi cho tiêu hóa.
- Một ngày chia thành nhiều bữa ăn, số lượng thức ăn trong mỗi bữa có thể ít đi.
- Ăn uống phải đúng giờ.
- Nếu viêm teo niêm mạc dạ dày có thể dẫn đến ung thư. Do đó, bạn cần đi khám nội soi để sàng lọc sớm.
BS. Trần Quang Nhật
(Theo plo.vn)