Ngay giữa trung tâm TP Quy Nhơn, Bình Định, một dự án khu đô thị có quy mô hơn 317 ha sau gần chục năm triển khai cũng chỉ là khu đất hoang hóa. Hạ tầng dự án dang dở, nhiều địa điểm trở thành nơi tập kết xà bần hoặc trở thành nơi người dân chăn bò.
Chây ỳ làm dự án BT, phớt lờ các yêu cầu của tỉnh
Dự án Khu đô thị - du lịch - văn hóa - thể thao hồ Phú Hòa là quỹ đất được tỉnh Bình Định dùng để thanh toán cho hai dự án BT về giao thông. Cụ thể là hai dự án: Dự án đường Điện Biên Phủ (nối dài) và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa tại TP Quy Nhơn.
Sau tám năm triển khai, dự án khu đô thị hồ Phú Hòa vẫn dang dở và có nhiều vi phạm. Ảnh: HUY TRƯỜNG |
Năm 2014, tỉnh Bình Định duyệt chủ trương xây dựng hai dự án nêu trên theo hình thức hợp đồng BT. Cùng với đó là giao cho nhà đầu tư khai thác quỹ đất ở Khu đô thị - du lịch - văn hóa - thể thao hồ Phú Hòa để tạo nguồn vốn đầu tư. Sau đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Lộc được chỉ định làm chủ đầu tư các dự án nêu trên và được cùng lúc triển khai dự án BT và khai thác quỹ đất.
Theo đó, tổng mức đầu tư của hai dự án BT là hơn 1.000 tỉ đồng và quỹ đất thanh toán được xác định là hơn 1.488 tỉ đồng (sau này được điều chỉnh thành hơn 1.500 tỉ đồng).
Thời gian thực hiện với dự án đường Điện Biên Phủ (nối dài) là 27 tháng, từ ngày 2-2-2016 đến 2-5-2018, được gia hạn đến ngày 31-12-2019. Với dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa là 30 tháng, từ ngày 2-2-2016 đến 2-6-2018.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban quản lý đầu tư dân dụng và công nghiệp tỉnh Bình Định (BQLĐTDD&CN), sau khi ký hợp đồng, Công ty Phú Lộc tiếp tục đề xuất điều chỉnh quy hoạch 1/500 dự án khu đô thị nêu trên và đã được chấp thuận. Việc điều chỉnh dự án này đã làm ảnh hưởng đến quy mô của các dự án BT nên tỉnh Bình Định đã phải đồng ý thực hiện các thủ tục lập điều chỉnh và duyệt lại dự án.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trong quá trình chờ phê duyệt điều chỉnh, doanh nghiệp này đã tổ chức thi công một số hạng mục dự án. Trong khi đó, công ty này vẫn chưa hoàn thành các thủ tục thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công theo quy định.
BQLĐTDD&CN cho biết qua nhiều đợt kiểm tra, đơn vị này đã nhiều lần yêu cầu nhà đầu tư dừng triển khai dự án nhưng doanh nghiệp này không chấp hành. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, BQLĐTDD&CN đã gửi tới 20 văn bản yêu cầu dừng thi công nhưng doanh nghiệp này vẫn cố làm.
Từ năm 2017 đến 2021, Sở Xây dựng tỉnh cũng có chín văn bản kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, UBND tỉnh Bình Định có sáu văn bản yêu cầu dừng thi công hai dự án BT.
“Nhà đầu tư vẫn không chịu tuân thủ các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, vẫn tiếp tục tổ chức thi công các hạng mục công trình của hai dự án BT” - BQLĐTDD&CN báo cáo.
“Tỉnh sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng BT với hai dự án nêu trên, sau đó lập quy hoạch 1/500 đối với khu vực này và đấu thầu chọn nhà đầu tư mới.”
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn
Bất chấp thi công dự án khu đô thị khi chưa được giao đất
Đối với dự án Khu đô thị - du lịch - văn hóa - thể thao hồ Phú Hòa, theo BQLĐTDD&CN, năm 2016 nhà đầu tư này được tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương lập khu đô thị Phú Hòa và triển khai dự án. Sở Xây dựng tỉnh cũng đã có văn bản hướng dẫn để doanh nghiệp này hoàn thiện thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, đến nay Công ty Phú Lộc vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục để trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo BQLĐTDD&CN, mặc dù chưa được UBND tỉnh giao đất nhưng tại dự án khu đô thị hồ Phú Hòa, nhà đầu tư đã đào, vận chuyển, đắp đất tạo mặt bằng khu đô thị, hoàn thiện công tác đắp đất nền đường đạt 66%. Cùng với đó là san lấp mặt bằng và hoàn thiện 51,25 ha hạ tầng khu đô thị.
Ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, dự án khu đô thị hồ Phú Hòa sau hơn tám năm triển khai vẫn chỉ là bãi đất hoang hóa rộng bạt ngàn, nhiều hạng mục còn dang dở. Nhiều địa điểm trở thành nơi tập kết xà bần nhếch nhác. Dự án ngàn tỉ đến nay trở thành nơi chăn bò của người dân.
Bao quanh dự án là hàng rào bằng tôn chi chít những thông tin rao mua bán đất. Nhiều hạng mục thi công dang dở để lại nhiều miệng hố, cống thoát nước không được che chắn an toàn, rất nguy hiểm cho người dân khu vực. Đáng nói, khu vực núi Bà Hỏa bị khai thác đất để phục vụ dự án, nay hiện trường còn nham nhở đất đá gây nguy cơ mất an toàn.
Theo người dân, hồ Phú Hòa trước đây rộng khoảng 120 ha, là nơi điều hòa nước sông Hà Thanh, góp phần giải quyết úng lũ cho vùng phía nam TP Quy Nhơn. Tuy nhiên, việc triển khai dự án khu đô thị hồ Phú Hòa khiến lòng hồ san lấp, thu hẹp rất nhiều gây lo ngại sẽ ngập úng cho khu vực xung quanh.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, đến nay doanh nghiệp này đã bỏ ra gần 930 tỉ đồng để thực hiện các hạng mục của ba dự án. Các ngành chức năng tỉnh Bình Định hiện đã đề xuất tỉnh chấm dứt hợp đồng BT với Công ty Phú Lộc. Tuy nhiên, việc giải quyết hậu quả của hai dự án BT dang dở theo BQLĐTDD&CN là rất khó khăn.
Mới đây, trong cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết tỉnh này sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng BT với hai dự án nêu trên. “Sau đó, tỉnh sẽ quy hoạch 1/500 đối với khu vực này và đấu thầu chọn nhà đầu tư mới” - ông Tuấn nói.•
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ trách nhiệm của tỉnh Bình Định
Năm 2019, Thanh tra Chính phủ cũng đã thanh tra hai dự án BT nêu trên của tỉnh Bình Định. Theo đó, nhiều thiếu sót của tỉnh Bình Định đã được chỉ ra. Cụ thể, các dự án triển khai từ năm 2014 nhưng đến năm 2019, UBND tỉnh Bình Định vẫn chưa làm thủ tục trình Thủ tướng phê duyệt dự án Khu đô thị - du lịch - văn hóa - thể thao hồ Phú Hòa.
Mặc dù chưa được bàn giao mặt bằng nhưng nhà đầu tư đã tổ chức triển khai thi công một số công trình, hạng mục các dự án khi chưa có thiết kế bản vẽ thi công, biện pháp thi công, giấy phép xây dựng.
Nhà đầu tư cũng chậm lập các thủ tục điều chỉnh dự án, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán công trình để trình cấp có thẩm quyền thẩm tra, thẩm định và phê duyệt. Chậm ứng kinh phí để chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi ba dự án và kinh phí rà phá bom mìn vật nổ, chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích rừng phòng hộ (7,6 ha), chậm xây dựng khu tái định cư cho người dân…
BQLĐTDD&CN được cho là chậm đàm phán, điều chỉnh và hoàn thiện hợp đồng hai dự án BT, thiếu quyết liệt trong việc xử lý vi phạm đối với nhà đầu tư, để nhà đầu tư tổ chức khởi công, thi công công trình khi chưa đủ điều kiện.