Đó là hắc bạch phân minh, phòng nào cần sáng thì sáng trưng, nơi nào nên tối thì tối đen như mực. Đừng nửa nạc nửa mỡ thì chỉ thêm phần béo bở cho… thầy thuốc!
Câu hát mỗi năm đến hè lòng man mác buồn dưới góc nhìn bới lông tìm vết của thầy thuốc phải sửa nhẹ thành “mỗi năm cuối hè lòng man mác buồn”. Lý do không chỉ vì hết hè lại phải vào trường với chương trình học ở xứ mình chẳng khác nào hình phạt mỗi ngày, kể cả buổi tối vì nhiều trò phải học thêm! Lý do đúng hơn về mặt y học khi cơ thể phản ứng sai lệch cũng bởi hè sắp sang tay cho mùa thu lá vàng, nhất là buổi sáng còn ngập nắng thì chiều lại mưa buồn tầm tã như ở nước ta.
Cảnh buồn người có vui đâu bao giờ
Bước vào mùa mưa kẹt xe ngập nước mà vẫn cười được đúng là quá hay, khi bao nhiêu người đang khổ cực đủ điều vì thiên tai, vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn còn là mối đe dọa triền miên. Chỉ nói riêng về mặt sức khỏe, theo thống kê được thực hiện trên nhiều quốc gia, hàng triệu người đang là nạn nhân của trầm uất, căn bệnh đã được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá như ứng viên hàng đầu của nhóm bệnh nặng ở thế kỷ 21, chỉ vì trời sắp vào... thu! Không lạ gì khi tỉ lệ tự vẫn ở châu Âu bao giờ cũng cao nhất vào cuối hạ!
Người xem truyền hình quá lâu trước khi đi ngủ cũng có thể bị khó ngủ và trầm cảm về lâu dài.
Hết “pin” vì thiếu ánh sáng
Nhiều người đổ thừa cho nguyên nhân của tình trạng dù có sạc đủ kiểu vẫn hết “pin”, vừa buồn, vừa chán là do áp lực của công việc, hay thường hơn vì mâu thuẫn gì đó trong gia đình. Không hẳn là vậy. Theo kết quả của nhiều công trình nghiên cứu xoay quanh bệnh trầm cảm, 80% nạn nhân có điểm tương đồng. Đó là họ sinh hoạt trong bối cảnh thiếu ánh sáng thiên nhiên, nhất là với cư dân TP lớn, với người làm việc trong văn phòng cao ốc đóng kín. Tình trạng này càng rõ nét hơn nữa ở phụ nữ mãn kinh vì thêm vào đó là bàn tay phá bĩnh ngấm ngầm của rối loạn nội tiết tố.
Bệnh vì trật nhịp
Theo nhiều chuyên gia về bệnh tâm thể, tình trạng này sở dĩ xảy ra là do trật nhịp sinh học khiến cơ thể ghi nhận sai tín hiệu về ngày và đêm. Nói cách khác, vì tranh tối tranh sáng nên não bộ biến đêm thành ngày. Hậu quả là nạn nhân mất ngủ, nói chính xác hơn, vẫn ngủ dễ, nhiều người thậm chí mới đặt lưng đã ngáy o o nhưng mới ngủ được vài tiếng thì giật mình rồi thức luôn đến sáng. Lý do là vì cơ thể không nhận đủ tín hiệu của ánh sáng mặt trời nên phóng thích một loại nội tiết tố về đêm có tên là melatonin khiến nạn nhân suốt ngày buồn ngủ, rồi sau đó buồn bực, lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi dù không hề làm việc nặng! Cũng vì cơ chế “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” mà cảm giác buồn chán đến lúc nào đó chuyển sang trạng thái cáu kỉnh. Nạn nhân khi đó bất mãn với chính mình rồi với mọi người chung quanh. Quạu đeo, nghĩa là quạu quọ đeo cứng gia chủ như hình với bóng, khi đó không mời vẫn ghé cho đến khi nạn nhân rơi vào bóng tối của trầm uất, của tâm trạng vừa buồn vừa tức.
Càng buồn càng tròn
Theo Viện Nghiên cứu Anton-Protsch ở Áo, bên cạnh triệu chứng đau đầu, đãng trí và rụng tóc thường gặp ở người dân TP, trong đó có 60% là phụ nữ thì nạn nhân của bệnh “trầm cảm khi hết hè” thường có khuynh hướng béo phì vì dễ đói bụng và thèm ngọt. Càng buồn họ càng thích ăn ngọt do bánh kẹo, chè mứt là phương tiện vỗ về hệ thần kinh đang thiếu năng lượng. Nạn nhân vì thế khác với người bị trầm cảm theo dạng kinh điển với hình ảnh ốm o gầy mòn, biếng ăn và khó ngủ. Trái lại, đối tượng của bệnh buồn khi thu sắp về thường mát da mát thịt, đau đầu kinh niên và ngái ngủ suốt ngày.
Có bệnh có thuốc
Dù sao cũng có điểm đáng mừng nếu trúng nhằm “nỗi buồn khi sắp khai trường” vì một số trường hợp bệnh tự động thuyên giảm khi mùa xuân đến. Tuy vậy, bệnh buồn khi trời mau chạng vạng cũng cần được điều trị đến nơi đến chốn, càng sớm càng tốt để tránh di chứng trên cả hai mặt tâm thế. Hơn thế nữa, nên phòng tránh tình trạng này thay vì khoanh tay ngồi chờ đến lúc em “có nghe mùa thu?” rồi mới tìm thầy chạy thuốc.
Giải pháp để chống tình trạng mệt mỏi, buồn chán vì mặt trời ngủ sớm khiến nhịp sinh học cũng bỏ việc xem vậy lại tương đối đơn giản. Đó là:
. Vặn đèn cho sáng, càng sáng càng tốt khi làm việc trong văn phòng.
. Sắp xếp để bước ra ngoài trời khi nghỉ giữa giờ. Tất nhiên đừng nại cớ để đi luôn đến chiều!
. Tránh la cà trong quán cà phê có đèn quá mờ sau 6 giờ chiều.
. Đừng xem truyền hình quá trễ, đến 30 phút trước khi đi ngủ vì cơ thể sau đó diễn dịch kích ứng nhấp nháy của màn hình như cảnh rạng đông khiến gia chủ “đã nghèo lại mắc cái eo” bởi tự đánh thức ngay giữa canh ba!
. Đừng để đèn mờ mờ trong phòng ngủ, ngay cả trong lúc ngủ do mắt tuy nhắm nhưng hệ thần kinh vẫn he hé liếc chừng!
BS LƯƠNG LỄ HOÀNG