Có thể không nhiều người biết về ngày này nhưng tác hại về việc hút thuốc thì ai cũng biết. Dù biết nhưng một lượng lớn cả nam và nữ vẫn mỗi ngày làm bạn với điếu thuốc. Điều này đang dần ăn mòn sức khỏe không chỉ của người hút thuốc mà cả những người xung quanh, thấy rõ nhất là người thân trong gia đình, đồng nghiệp.
Việc sử dụng thuốc lá mọi lúc mọi nơi, đặc biệt trong công sở cũng đang trở thành vấn nạn đáng lo, làm mất mỹ quan và khiến không khí làm việc bị ô nhiễm, tác hại lan tràn rất cao. Cùng tìm hiểu một số vấn đề liên quan để biết được ngày 31-5 không phải được tạo ra một cách vô lý.
Nguồn gốc của ngày 31-5
Thuốc lá là nguồn gốc gây nhiều loại bệnh nguy hiểm.
Ngày Thế giới không thuốc lá (World No Tobacco Day) được chọn vào ngày 31-5 hằng năm theo Nghị quyết Resolution 42.19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mục đích là tạo ra và khuyến khích khoảng thời gian 24 tiếng không có khói thuốc lá trên toàn cầu.
Năm kỷ niệm đầu tiên
Là năm 1987. Từ đó đến nay, ngày này đã nhận được sự ủng hộ của những người không hút thuốc lá, chính phủ các nước, tổ chức y tế, chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu.
Các cột mốc phát hiện ra độc chất trong thuốc lá
Năm 1825, lần đầu tiên tìm ra chất nicotin trong khói thuốc. Chất này khiến cả người hút lẫn người ngửi bị nhiễm độc mạn tính chuyển sang nhiễm độc cấp tính.
Năm 1954, phát hiện benzen - một chất gây ung thư trong khói thuốc.
Nhiều nước trên thế giới chống thuốc lá rất mạnh.
Năm 1974, chất crizen và hợp chất của metyl được phát hiện trong khói thuốc với hàm lượng gấp năm lần chất benzen.
Năm 1977, chất metyl hiđrazin gây bệnh ung thư cũng được phát hiện. Những chất này khiến động vật nhiễm phải đều mắc bệnh ung thư với tỉ lệ 100%.
Mức độ độc hại của nicotin
Chất nicotin trong một điếu thuốc lá đủ làm chết một con chuột, trong 20 điếu đủ làm chết một con bò. Trong một cuộc thi hút thuốc lá ở Pháp, một người dự thi đã hút liền 60 điếu và chết ngay tại chỗ.
Một điếu thuốc lá sản sinh ra 500 ml khói, trong khói thuốc lá chứa hơn 3.000 chất hóa học trong đó có 20 chất đã được xác nhận là gây bệnh ung thư.
Các con số biết nói
Việt Nam là nước có tỉ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Nam giới trưởng thành hút thuốc chiếm tỉ lệ 47,4% trong khi nữ khoảng 1,4%. Một ngày có khoảng 100 người chết vì thuốc lá.
Mỗi năm có bảy triệu người trên thế giới tử vong do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó khoảng 10% là người chịu hậu quả thụ động. Dự kiến đến năm 2020 là tám triệu người, nhiều hơn tổng số người chết do HIV/AIDS, bệnh lao và tai nạn giao thông đường bộ cộng lại.
Thế kỷ 20, thuốc lá giết chết 100 triệu người, nếu không có biện pháp thì thế kỷ 21 con số này sẽ là một tỉ.
Đã có luật về thuốc lá nhưng…
Ngày 28-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến 31-5.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, phát động diễu hành đạp xe, đi bộ kêu gọi người dân không hút thuốc lá. Ảnh: DÂN TRÍ
Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã ban hành một loạt nghị quyết, quyết định, thông tư, chương trình hành động… liên quan đến việc hạn chế, tiến đến đẩy lùi việc hút thuốc lá như Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định số 77/2013/NĐ-CP ngày 17-7-2013; Chỉ thị số 05/CT-BYT ngày 28-5-2013 của bộ trưởng Bộ Y tế… và quan trọng nhất là Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1-5-2013 nhưng việc giảm tỉ lệ hút thuốc trong dân vẫn quá khó khăn.
Năm 2014, tòa án tại bang Florida (Mỹ) đã tuyên thắng kiện cho một phụ nữ kiện công ty thuốc lá vì chồng bà hút thuốc lá suốt 18 năm của tập đoàn này, kết quả bị ung thư phổi và tử vong. Bà Cynthia Robinson được bồi thường hơn 23,6 tỉ USD từ tập đoàn sản xuất thuốc lá lớn thứ hai nước này là RJ Reynolds.
Năm 2015, Tòa án cấp cao Quebec ra phán quyết ba tập đoàn thuốc lá lớn của nước này phải nộp phạt và bồi thường cho hàng trăm ngàn người hút thuốc lá ở Quebec 12 tỉ USD vì không cảnh báo cho khách hàng hậu quả của việc hút thuốc.
Thuốc lá ở Việt Nam đang quá rẻ. Ảnh: TTO
Năm 2016, Hội đồng bang California (Mỹ) thông qua đạo luật nghiêm khắc, nâng độ tuổi được phép hút thuốc từ 18 lên 21. Trước California, TP New York và bang Hawaii đã nâng tuổi hút thuốc lên 21.
Tổng thống Philippines Duterte vừa ban hành lệnh cấm hút thuốc ở nơi công cộng trên toàn quốc, áp dụng từ tháng 7-2017. Người vi phạm sẽ bị phạt đến 200 USD, một mức rất cao vì thu nhập bình quân đầu người tại đây chỉ 400 USD... Đưa thuốc lá cho trẻ dưới 18 tuổi sẽ bị phạt tù 30 ngày.
Người dân hút thuốc tại Philippines. Ảnh: REUTERS
Ở Italia, việc hút thuốc lá khi trên ô tô có mặt phụ nữ có thai, trẻ em bị nghiêm cấm. Hút thuốc nơi công cộng sẽ bị phạt rất nặng, bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên có thể bị phạt 1.000-4.000 euro, rút giấy phép kinh doanh trong vòng ba tháng.
Ở Việt Nam, năm 2015, Bến Tre quy định quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ thuốc lá trên địa bàn tỉnh theo nguyên tắc không quá một người bán sỉ trên 50.000 dân và không quá một người bán lẻ trên 300 dân để hạn chế thuốc lá.
Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn
Theo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá:
Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm: Cơ sở y tế; một số cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ cao.
Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà gồm: Nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; một vài điểm công cộng khác.
Vậy nên thấy có người hút thuốc trong các vùng cấm trên, bất cứ ai cũng có thể lên tiếng ngăn cản. Tuy nhiên, từng người cần chủ động nói không với thuốc mới có thể hy vọng một bầu không khí sạch hơn cho cộng đồng, cho thế hệ tương lai.