Vì sao ngân hàng không đòi được tài sản là tang vật?

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh ở số báo trước, nhiều vụ ngân hàng (NH) khởi kiện hành chính đòi lại tài sản bảo đảm là tang vật vi phạm hành chính để xử lý nợ nhưng tòa không chấp nhận. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng NH không bị thiệt thòi bởi các quy định pháp luật khá rõ, tuy nhiên cần có biện pháp để dung hòa quyền lợi các bên.

Xe tang vật trong một vụ án ma túy bị Công an tỉnh Tiền Giang tịch thu.
Ảnh: ĐÔNG HÀ

Ưu tiên bảo vệ lợi ích công cộng

Theo TS Đoàn Thị Phương Diệp, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Trường ĐH Kinh tế - Luật (TP.HCM), cơ sở pháp lý cho việc tịch thu tài sản là phương tiện vi phạm (dù đã thế chấp NH) được quy định khá rõ.

Cụ thể, điểm b khoản 3 Điều 25 Nghị định 185/2013 (được sửa đổi bởi khoản 22 Điều 1 Nghị định 124/2015 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng lậu, hàng cấm…) quy định: Cơ quan có thẩm quyền xử phạt có quyền áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu trong trường hợp tang vật có số lượng từ 500 bao trở lên hoặc vi phạm nhiều lần...

Trong khi lập luận của phía NH cho rằng: Khoản 5 Điều 323 BLDS 2015 quy định một trong những quyền của bên nhận thế chấp là yêu cầu bên thế chấp hoặc người thứ ba giữ tài sản thế chấp giao tài sản đó cho mình để xử lý khi bên thế chấp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Về lập luận trên, TS Phương Diệp nói: “Đây là quy định không cần phải bàn cãi về quyền của bên thế chấp. Tuy nhiên, quyền này cần phải xét trong bối cảnh là tài sản thế chấp còn tồn tại thì quyền xử lý tài sản thế chấp của bên thế chấp mới có thể thực hiện được, ở đây tài sản đã bị tịch thu (tức không còn) thì sao có thể áp dụng được?!”.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Tiến, Phó Trưởng Khoa luật dân sự, Trường ĐH Luật (TP.HCM), cho rằng tài sản cầm cố, thế chấp ở NH là tài sản bảo đảm nghĩa vụ chứ không phải là tài sản thực hiện nghĩa vụ. Ngoài ra, giữa pháp luật hành chính, hình sự và pháp luật dân sự thì phải ưu tiên pháp luật hành chính, hình sự hơn.

Lý do là pháp luật hành chính, hình sự bảo đảm cho lợi ích công cộng, nên bất kỳ quy định nào có quy định việc tịch thu nếu vi phạm thì phải áp dụng biện pháp tịch thu.

Lỗi quản lý tài sản thế chấp

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính NH cho rằng trường hợp này NH có quyền lấy lại tài sản. Bởi khoản 4 Điều 4 Nghị định 163/2006 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11/2012) quy định trong trường hợp giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp và có giá trị pháp lý đối với người thứ ba thì tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác không được kê biên tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ khác của bên bảo đảm.

Ngoài ra, theo khoản 6 Điều 19 Nghị định 166/2013 (về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính) thì một trong những loại tài sản không được kê biên đó là tài sản đang được cầm cố, thế chấp hợp pháp.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Tiến nói: Điều 90 của Luật Thi hành án dân sự quy định cơ quan thi hành án có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm. Nếu lập luận tài sản đã được thế chấp không được kê biên, xử lý hay tịch thu là không đúng.

“Nên nhớ rằng NH ít nhiều cũng có lỗi khi quản lý tài sản bảo đảm không tốt, để người cầm cố, thế chấp sử dụng tài sản đó đi vi phạm pháp luật hành chính, hình sự như buôn lậu thuốc lá, buôn ma túy… Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội” - TS Tiến nói.

Mặt khác, theo ThS Lưu Minh Sang, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật (TP.HCM), việc tịch thu phương tiện là một hình phạt phụ được áp dụng bên cạnh hình phạt chính, do vậy bản chất đây không phải là kê biên, cũng không phải là để “bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ khác của bên bảo đảm”. Vì thế, đây không thể là cơ sở pháp lý để chứng minh tính trái pháp luật của hành vi tịch thu tài sản.

Cách nào để dung hòa quyền lợi các bên?

Theo TS Nguyễn Văn Tiến, thực tiễn xét xử cho thấy nhiều tòa án sẽ giải quyết mềm mỏng, linh hoạt khi chỉ tịch thu phần dôi dư của tài sản bảo đảm. Ví dụ: Tài sản được định giá 1 tỉ đồng, thế chấp 700 triệu đồng ở NH trước đó thì tòa quyết định cơ quan có thẩm quyền chỉ tịch thu 300 triệu đồng, còn 700 triệu đồng trả cho NH để xử lý nợ.

Cách giải quyết trên nghe có vẻ hợp lý, dung hòa lợi ích của các bên và phù hợp với Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội (về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng) nhưng lại không đúng các quy định về việc tịch thu tài sản theo pháp luật hành chính và hình sự. Đúng ra tòa phải tuyên tịch thu hết mới đúng luật và bảo đảm lợi ích công cộng.

Về giải pháp bảo vệ quyền lợi của NH trong trường hợp tài sản được cầm cố, thế chấp đã bị tịch thu (không còn), theo TS Tiến là NH sẽ đi kiện người cầm cố, thế chấp để xử lý tài sản khác của họ.

ThS Lưu Minh Sang nói: “Nghị quyết 42 tạo điều kiện khá nhiều cho NH trong việc thực thi quyền của mình. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng bảo vệ quyền của NH không phải là bảo vệ một cách bất chấp, mà chỉ khi quyền đó có đầy đủ cơ sở để thực hiện”.

Cũng theo ThS Lưu Minh Sang, việc không xử lý được tài sản thế chấp không có nghĩa là NH mất quyền thu hồi nợ, món nợ vay chỉ chuyển thành nợ không có bảo đảm và NH vẫn thực hiện được một cách bình thường quyền đòi nợ của mình. Bởi hợp đồng thế chấp trước đó đã được giao kết và đăng ký phù hợp với các quy định của pháp luật.

“Cũng cần phải hiểu rằng việc tịch thu trong các vụ việc trên là tịch thu tài sản của người vi phạm, của chủ sở hữu xe (là bên đi thế chấp) chứ không phải là tịch thu tài sản của NH. Điều này là cần thiết để trừng phạt hành vi vi phạm (buôn lậu) xâm phạm đến lợi ích công cộng có phần ngày càng gia tăng và nghiêm trọng” - ThS Lưu Minh Sang nói.

Giải pháp đúng đắn của Nghị quyết 42

Tôi rất đồng tình với giải pháp được nêu ra tại Điều 14 Nghị quyết 42/2017/QH10 bằng việc phân định rõ mức độ ảnh hưởng của chứng cứ là tài sản bảo đảm đối với việc xử lý vụ án hình sự và thi hành án để đưa ra phương án giải quyết dung hòa quyền lợi. Theo đó, chỉ những vật chứng nào là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu mà không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án sẽ được hoàn trả các NH để thanh lý và xử lý nợ xấu theo đề nghị của chính các NH.

Như vậy, quyền lợi của NH chỉ được ưu tiên khi đáp ứng ba điều kiện: (i) Vật chứng là tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu (không phải là tài sản bảo đảm cho những khoản nợ nói chung); (ii) Vật chứng không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; (iii) Vật chứng này đã hoàn thành sứ mệnh sau khi cơ quan tiến hành tố tụng hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ.

TS ĐOÀN THỊ PHƯƠNG DIỆPĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm