Quả mít là trái cây phổ biến với người dân Việt Nam. Theo Cục An toàn thực phẩm (VFA), Bộ Y tế loại quả này có nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Ước tính trong 100 g múi mít có 27 g canxi; 38 mg phốt pho; 0,6 mg sắt; 2mg natri; 407 mg kali, cung cấp cho cơ thể 94 calo cùng các vitamin khác.
Theo quan điểm Đông y, quả mít có vị ngọt, mùi thơm, hơi chua, tác dụng kiện tỳ, ích khí, làm đẹp mặt mày, khỏi phiền khát. Người ta ăn quả mít chín để giải rượu. Ngoài quả mít, các bộ phận khác của cây mít như gỗ, nhựa, lá đều có tác dụng làm bài thuốc chữa bệnh.
Vì thế, VFA nhấn mạnh, rất hiếm khi xảy ra dị ứng khi ăn quả mít.
Dù vậy, Cục An toàn thực phẩm cho biết, sẽ có một số thể trạng sức khỏe được khuyến nghị là nên hạn chế ăn mít như người mắc bệnh đái tháo đường, người có cơ địa nóng trong và người bị dị ứng phấn hoa.
Cụ thể, với người mắc bệnh đái tháo đường, việc ăn mít có thể làm tăng lượng đường trong máu, do mít chứa nhiều đường fructoza và đường glucoza. Đây cũng là lý do người bệnh đái tháo đường không nên ăn nhiều. Trong trường hợp muốn ăn, khi ăn quả mít cần được theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu và điều chỉnh liều lượng thuốc trị bệnh nếu cần thiết.
Cùng với đó, vì mít chứa nhiều đường làm tăng chuyển hóa trong cơ thể, nên có thể gây ra tình trạng nóng trong, khó chịu. Với những người vốn có sẵn cơ địa nóng trong, ăn nhiều mít có thể gây mẩn ngứa, mụn nhọt.
Không có khuyến nghị về liều lượng mít nên sử dụng/ngày
Về hàm lượng khuyến nghị khi ăn mít, theo VFA hiện nay, không có thông tin khoa học nào để xác định một phạm vi liều lượng thích hợp cho quả mít. Liều lượng ăn ra sao sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như tuổi tác, sức khỏe và các điều kiện khác.
Do đó người dân nên ăn vừa đủ, người có các bệnh nêu trên nên hạn chế ăn. Nếu sau khi ăn mít thấy có các triệu chứng bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám.