Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề nghị TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm trong buổi làm việc với TP liên quan việc thực hiện các công trình giao thông theo hình thức BOT, ngày 5-5.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho hay trước đây TP cũng có một số trường hợp khi dựng trạm thu phí bị người dân phản ứng vì chưa hợp lý như trên đường Nguyễn Tất Thành, Điện Biên Phủ hay Kinh Dương Vương. Sau này TP đã điều chỉnh lại và đến nay thì người dân không còn kêu ca, phàn nàn.
Ông Cường nhìn nhận điều quan trọng nhất chính là xác định được đúng đối tượng thu phí. “Các trạm thì đương nhiên là phải gắn với dự án rồi. Do đó, nếu thu đúng đối tượng thì sẽ không có ai phản ứng cả” - ông Cường nói.
Một vấn đề khác, theo báo cáo của Sở GTVT, hiện nay có rất nhiều khó khăn, vướng mắc khiến các nhà đầu tư không mặn mà với dự án BOT. Ông Bùi Xuân Cường nói thẳng đầu tư theo hình thức BOT là chưa có sự sòng phẳng giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư do các quy định của pháp luật hiện nay vẫn chưa hoàn thiện.
Ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển hạ tầng IDICO, cho biết hiện nay một dự án đầu tư hạ tầng được thực hiện phải trải qua 25 nghị định, thông tư và quyết định của các cấp có thẩm quyền mà nhiều khi vẫn không thống nhất được. Pháp luật có liên quan thì thay đổi liên tục… đã ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Ông Ninh cho hay dự án của công ty này được duyệt và nghiên cứu từ năm 2002. Đến nay có rất nhiều tuyến đường song song chia sẻ lưu lượng, nhiều điểm đấu nối từ các hệ thống đường mới nhưng họ cũng không được tính toán thêm quyền lợi gì. “Đây là điều mà các dự án BOT không hấp dẫn nhà đầu tư. Chúng tôi đã có trạm thu phí rồi nhưng giờ nếu được giao thêm dự án mới mà vẫn với cách như hiện nay thì sẽ rất băn khoăn là có nên thực hiện hay không” - ông Ninh nói.
Ngoài ra, ông Ninh cũng thông tin có những dự án thời gian lập dự án gấp năm lần, phải mất hai năm mới lập dự án xong nhưng thi công thì chỉ có sáu tháng do khó khăn từ chính sách. Khi tiến hành đàm phán, cả Nhà nước và nhà đầu tư đều rất kỹ lưỡng, giằng co nên thời gian kéo rất dài. “Một cây cầu vượt đôi khi chỉ có tổng mức đầu tư khoảng 5-6 tỉ đồng nhưng thời gian đàm phán mất 4-5 tháng. Lý do chính là sau khi nhà đầu tư thống nhất được với tổ đàm phán của TP thì lại phải trình lại các sở, ngành cho đến khi được thống nhất mặc dù mọi thứ đều ổn” - ông Ninh nói.
Ông Nguyễn Đức Kiên cho biết sẽ ghi nhận và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc của TP.HCM, trong đó sẽ có nhiều nội dung được đưa vào chương trình dự thảo thay đổi các luật và nghị định có liên quan để trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.
Nhiều khó khăn, vướng mắc khác cũng được nêu ra tại cuộc họp như khâu bồi thường giải phóng mặt bằng lúc nào cũng chậm so với tiến độ, dẫn đến bị đội giá. Tỉ suất lợi nhuận của nhà đầu tư trong nước hiện nay thì thường nằm 11,5%-11,8 % trong khi tỉ suất lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài nằm 14%-17% rồi bất cập trong lãi vay ngân hàng đối với các dự án BOT… |