Vì sao nhiều đàn ông vô sinh đi 'chữa bệnh cầu may'?

Đó là kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả gồm các BS Bùi Đồng Tiến, Lê Vũ Tân, Mai Bá Tiến Dũng của BV Bình Dân (TP.HCM) được công bố tại Hội nghị khoa học kỹ thuật BV Bình Dân lần thứ 19 diễn ra trong hai ngày 6 và 7-4.

Hội nghị là diễn đàn uy tín trao đổi chuyên môn, kết nối các nhà khoa học, y bác sĩ trong nước và quốc tế trong lĩnh vực điều trị ngoại khoa nhằm cập nhật và ứng dụng những tiến bộ khoa học tiên tiến vào chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.

Thực hiện nghiên cứu “Khảo sát kiến thức và hành vi tìm kiếm dịch vụ khám chữa bệnh của bệnh nhân vô sinh nam (VSN)  tại BV Bình Dân”, nhóm tác giả đã khảo sát trên 154 bệnh nhân đến khám và điều trị vô sinh nam tại khoa Nam học của BV từ tháng 2-2017 đến 6-2017.

Theo đó, kết quả khảo sát cho thấy tỉ lệ có kiến thức chung về VSN đạt yêu cầu là 18,2% và chưa đạt yêu cầu 81,8%, có kiến thức đúng về tiêu chuẩn chẩn đoán VSN chỉ 9,1%.

55,2% đối tượng nghiên cứu biết nên điều trị VSN càng sớm càng tốt và 40,9% không biết hoặc không chắc chắn, điều này chứng tỏ người bệnh thiếu thông tin toàn diện về bệnh VSN. Nhiều người trải qua hàng loạt cơ sở điều trị vô sinh mà không theo định hướng điều trị nào, chủ yếu là “chữa bệnh cầu may”, “nghe ở đâu có thầy hay thuốc tốt là tìm đến ngay bất kể xa gần”.

Chỉ 18,2% đối tượng nghiên cứu có kiến thức chung về vô sinh nam đạt yêu cầu. Ảnh: Internet

Khi chậm có con, người bệnh thường cho rằng mình không bị vô sinh mà chỉ là một dạng suy nhược cơ thể. Người bệnh rất ngại ngùng khi phải chia sẻ về tình trạng bệnh tật của mình ngay cả với bác sĩ điều trị. Việc mắc vô sinh chủ yếu được gán cho người vợ, người chồng ít khi thừa nhận mình bị vô sinh hoặc có nguy cơ bị vô sinh.

Người bệnh thường điều trị thử tại một cơ sở hoặc thầy thuốc gia truyền hoặc tự mua thuốc uống với hy vọng nhanh chóng khỏe lại. Nhiều người tự tìm hiểu các thông tin liên quan đến VSN trên Internet, các trang mạng quảng cáo và cũng quyết định tự mua thuốc uống.

Có 60,4% số đối tượng đã từng khám tại cơ sở thuốc gia truyền, 37,1% từng khám tại một phòng khám tư nhân. Vai trò chăm sóc y tế ban đầu của y tế cơ sở khá mờ nhạt. Điều này phần nào thể hiện sự thiếu quan tâm của các chương trình y tế cơ sở đối với vấn đề vô sinh.

Đa số bệnh nhân VSN để điều trị thường cần phải phẫu thuật. Chi phí cho phẫu thuật cao, quỹ BHYT không chi trả cho những kỹ thuật y tế, thuốc men điều trị hiếm muộn... khiến nhiều bệnh nhân chưa có khả năng chi trả. Người bệnh đành cầu cứu những cơ sở điều trị rẻ tiền, vòng vèo, không đúng chuyên môn, thậm chí là sử dụng những phương pháp phản khoa học của các thầy lang. Nhiều bệnh nhân khi mới nghi ngờ mắc bệnh đã đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa hiếm muộn nhưng chi phí quá đắt khiến họ đành chấp nhận quay về với các phương pháp khác mặc dù biết rằng chưa hẳn là có tác dụng gì.

Chính vì vậy, việc bổ sung một số thuốc điều trị vô sinh vào danh mục thuốc được bảo hiểm chi trả là vô cùng cần thiết bên cạnh việc cân nhắc giảm giá một số kỹ thuật điều trị VSN. Bên cạnh đó, những hoạt động truyền thông về bệnh vô sinh tại cộng đồng cần được chú trọng.

Vô sinh nam giới chiếm 25%-40%

Tại Việt Nam, tỉ lệ vô sinh khoảng 7,7%; trong đó có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30, nguyên nhân do nam giới chiếm 25%-40% và do nữ chiếm 40%-55%, còn lại do cả hai vợ chồng.

VSN tuy là bệnh lý phức tạp nhưng trong đa số trường hợp vẫn có thể chữa khỏi nếu phát hiện và giải quyết được nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, để phát hiện và điều trị, người bệnh cần có kiến thức cơ bản và đi khám sớm, đúng chuyên khoa. 

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm