“Nơi đây trai, gái độ tuổi 30-40 tìm đến các trung tâm BHXH để tham gia bảo hiểm tự nguyện (BHTN) ngày càng nhiều. Và người dân cũng ý thức được rằng về già phải có lương hưu để không phải dựa dẫm vào con cháu…” - anh Trần Minh Tuấn, 35 tuổi, ngụ khu 6, phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh, tâm sự câu chuyện về nhiều người trẻ tham gia BHTN ở tỉnh Bắc Ninh.
Như một khoản tiết kiệm
Cầm tấm bằng sư phạm trong tay, anh Tuấn cũng như nhiều người khác nộp đơn xin vào dạy hợp đồng ở một trường cấp 2 trong huyện. Nhưng rồi anh lại từ bỏ ước mơ được làm “biên chế” trong ngành giáo dục để thành lập một trung tâm dạy thêm.
Với thu nhập từ dạy học khoảng 15 triệu đồng/tháng, anh bắt đầu tìm hiểu về BHTN và được biết nếu tham gia sẽ được Nhà nước hỗ trợ ít nhất trên 15.000 đồng/tháng, nhiều nhất là gần 50.000 đồng/tháng.
Anh Trần Minh Tuấn được cán bộ BHXH TP Bắc Ninh tư vấn các mức đóng BHTN. Ảnh: V.LONG
Ít lâu sau, anh Tuấn đăng ký tham gia với mức đóng trên 500.000 đồng/tháng và chọn đóng sáu tháng/lần. “Tôi thấy mức đóng trên rất phù hợp với điều kiện hiện nay của gia đình. Và nếu sau này thu nhập cao hơn chắc chắn tôi sẽ nâng mức đóng lên để về già được hưởng mức lương cao hơn” - anh Tuấn khẳng định.
Vốn “tù mù” về BHTN nhưng khi được nhân viên BHXH Nguyễn Hữu Hoàn tư vấn, anh Bùi Thế Đạt, xã Nhân Thắng, Gia Bình (Bắc Ninh), mới được khai sáng và tham gia BHTN với mức 550.000 đồng/tháng.
“Thú thật trước đây tôi chỉ chăm chăm làm đủ nghề để kiếm sống, không tìm hiểu, không quan tâm đến BHTN. Nhưng khi gặp nhân viên tư vấn BHXH, tôi mới biết được cái lợi và tham gia ngay” - anh Đạt kể và cho rằng bản thân không bao giờ nghĩ mỗi ngày tiết kiệm 5.000 đồng, tức một bó rau ngoài chợ là có thể tham gia BHTN để về già có lương hưu như công chức, viên chức…
Anh Bùi Thế Đạt làm nghề tự do và tham gia BHTN được hơn bốn năm. Ảnh: VIẾT LONG
Anh Đạt cũng nhận thức được BHXH thuộc Nhà nước, không vì mục đích thương mại, được Nhà nước hỗ trợ, nên không sợ bất kỳ rủi ro nào như các loại bảo hiểm khác. Vì vậy, anh xem đây như một khoản tích lũy của cá nhân để sau này về già không phải dựa dẫm vào con cái.
“Giờ mình còn sức lao động kiếm tiền nên lo xa một chút, chứ đến tuổi già sức yếu đi lúc đó lấy tiền đâu mà sống. Còn nghĩ đến con cái chăm sóc thì tội con, và lỡ con cái nó cũng nghèo thì mình trông vào đâu. Nên tốt nhất mình cứ chủ động cho tuổi già…” - anh Đạt chia sẻ.
Nhận ra sai lầm khi hưởng BHXH một lần
Khác với anh Tuấn và anh Đạt, chị Hoàng Thị Xuân, 35 tuổi, ngụ phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh, cho biết trước đây chị xin làm việc ở Công ty CP May Việt Hà. Tại đây, chị được đóng các khoản bảo hiểm. Nhưng làm việc được ba năm chị nghỉ về nhà buôn bán. Cùng lúc, chị tìm đến cơ quan BHXH làm các thủ tục nhận BHXH một lần.
“Lúc đó các anh chị làm ở đây khuyên tôi không nên rút vì còn trẻ, có thể bảo lưu để sau này chuyển đến công ty khác làm việc hoặc khi điều kiện kinh tế khá lên có thể đóng nối để sau này có lương hưu. Nhưng lúc đó tôi suy nghĩ không được thấu đáo nên quyết định nhận BHXH một lần…” - chị Xuân nhớ lại.
Sau nhiều năm lăn lộn kiếm tiền, chị thấy nhiều cảnh đời lúc về già không có lương hưu, con cũng nghèo khổ, 70 tuổi, thậm chí là 80 tuổi vẫn phải đi bộ 10 km ra chợ bán từng mớ rau mua gạo. Hình ảnh đó làm chị nhớ lại những lời tư vấn của BHXH. Sau đó, chị quay lại BHXH TP Bắc Ninh và ngay lập tức đăng ký tham gia BHTN với mức đóng gần 1 triệu đồng/tháng.
Chị Hoàng Thị Xuân (thứ ba từ trái sang) nhận ra sai lầm khi hưởng BHXH một lần và sau đó chị đã kịp thời "sửa sai". Ảnh: V.LONG
“Rất may là tôi nhận ra vấn đề sớm nên đủ thời gian đóng 20 năm BHTN để sau này hưởng lương hưu. Nếu chậm chắc tôi ân hận cả đời…” - chị Xuân tâm sự.
Nhận ra lợi ích, chị Hoàng Thị Hương (chị chị Xuân), 37 tuổi, cũng theo em tìm hiểu và đi đến quyết định đóng BHXH tự nguyện với mức đóng gần 1 triệu đồng/tháng. Theo chị Hương, đây là mức đóng phù hợp với thu nhập chị có được.
“Tôi làm nghề tự do nên trung bình mỗi tháng kiếm được 13 triệu đồng, khoản tiền trên coi như mình tích góp để sau này về già được hưởng các chế độ như lương hưu, BHYT…” - chị Hương nói.
Chị cũng bày tỏ hạnh phúc khi được nhân viên BHXH tư vấn tận tình, đặc biệt là em gái mình đã “khai sáng” để chị được tiếp cận chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. “Với mức đóng trên, dự kiến về già tôi hưởng lương hưu trên 5 triệu đồng/tháng, như vậy bản thân chỉ nghỉ ngơi và vui vầy với con cháu…” -chị Hương nói và cho biết sẽ rủ nhiều người tham gia BHTN này.
Quyền lợi người tham gia BHTN Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Ninh, cho biết tính đến ngày 31-7, toàn tỉnh có 5.196 người tham gia BHTN. Trong đó, đối tượng tham gia mới gần 2.000 người. Cũng theo ông Chương, đối tượng đích của BHXH tự nguyện là người lao động tuổi 30-45. Mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn. Thời gian đóng tối thiểu là 20 năm mới được hưởng lương hưu. Mức hưởng 45% mức đóng trung bình trong 20 năm. Thời gian hưởng lương hưu nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Bên cạnh đó, người dân tham gia BHTN về già được hưởng lương hưu và tử tuất, cấp BHYT miễn phí. |