Đáng lưu ý, tỉ lệ mẹ lây nhiễm viêm gan B cho con ở Việt Nam khoảng 5%-10%, trong đó có tới 90% trẻ đã chuyển sang viêm gan B mạn tính. Do đó, với trẻ nhỏ, tiêm vaccine là cách phòng ngừa viêm gan B hiệu quả nhất. Riêng trẻ được sinh ra từ mẹ bị viêm gan B, cần được tiêm theo phác đồ đã quy định.
Trẻ sơ sinh cần tiêm ngay một mũi vaccine phòng viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh để giúp phòng lây virus viêm gan B từ mẹ sang con. Mũi này được tiêm càng sớm hiệu quả càng cao, có khả năng phòng được tới 85%-90% các trường hợp lây từ mẹ sang con.
Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày, từ 50%-70% và sẽ không đạt nếu trẻ tiêm sau bảy ngày.
Mũi tiêm này như một cách cạnh tranh giữa sự nhân lên của virus và vaccine tạo ra các kháng thể kịp thời trung hòa virus đang có trong cơ thể. Cũng vì thế mà nhiều nước trên thế giới đã áp dụng tiêm vaccine này cho trẻ trong vòng 12 giờ sau sinh.
Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B, ngoài mũi tiêm như các trẻ khác cần tiêm thêm một mũi kháng thể (huyết thanh kháng viêm gan B) HBlg (Hepatitis B Immune Globulin) trong vòng 12-24 giờ đầu sau sinh. Vị trí tiêm kháng thể HBlg phải khác với vị trí tiêm vaccine viêm gan B.
Một số trẻ đang ốm, sốt, nhiễm trùng cấp tính sẽ phải hoãn tiêm vaccine viêm gan B trong 24 giờ sau sinh. Trẻ sinh non, sinh khó, nhẹ cân, mẹ bị sốt trước và sau sinh, nước ối bẩn, thai già tháng, trẻ bị ngạt, dị tật… cần được thăm khám kỹ trước khi tiêm để tránh rủi ro.
Ngoài mũi tiêm sơ sinh và huyết thanh (nếu cần), trẻ được khuyến cáo tiêm bốn mũi vaccine viêm gan B theo phác đồ:
- Mũi 1: Mũi tiêm đầu tiên
- Mũi 2: Sau mũi 1 một tháng
- Mũi 3: Sau mũi 2 một tháng
- Tiêm nhắc lại mũi 4 sau một năm.
Vaccine có thể là vaccine đơn giá hoặc vaccine kết hợp (5 trong 1 hay 6 trong 1).
Khi trẻ được 15-18 tháng nên đưa trẻ đi xét nghiệm kiểm tra HbsAg và antiHBs để chắc chắn trẻ đã được bảo vệ.