Vì sao sếp tham ô chưa bị thi hành án tử?

Ngày 27-11, sau ba ngày xét xử, TAND TP.HCM đã đưa ra phán quyết sơ thẩm liên quan đến trách nhiệm dân sự của bị án tử hình Vũ Quốc Hảo (64 tuổi, cựu tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính ALCII - thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam) và Đặng Văn Hai (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Quang Vinh).
HĐXX đã tuyên buộc ông Hảo và ông Hai có trách nhiệm bồi thường cho Công ty ALCII hơn 117 tỉ đồng đã tham ô. Cụ thể, ông Hảo có trách nhiệm là 75 tỉ đồng, Hai là 42 tỉ đồng.
Tòa buộc ông Lê Đoàn Tám nộp lại 75 tỉ đồng trả cho ALCII để thực hiện nghĩa vụ bồi thường của ông Hảo. Toàn bộ số tiền thu hồi được sẽ chuyển giao cho Công ty quản lý tài sản Sen Việt (đã mua lại nợ của ALCII) để giải quyết nghĩa vụ phá sản của ALCII.
Quan hệ vay mượn giữa ông Hảo và ông Tám nếu có phát sinh tranh chấp thì giải quyết bằng vụ án dân sự khác.

Bị cáo Vũ Quốc Hảo năm 2016 đã bị bác kháng cáo xin thoát án tử. Ảnh: HY

Đồng thời, HĐXX tuyên tiếp tục kê biên khu căn hộ Trường An Công ty TNHH MTV Hàm Rồng để công ty này thực hiện nghĩa vụ trả nợ của công ty này và ông Hảo trong các bản án khác. Tòa không chấp nhận yêu cầu của BIDV trong việc phát mại khu căn hộ này để xử lý nợ.
Theo hồ sơ, năm 2008, ông Hảo hai lần vay tiền của ông Lê Đoàn Tám (giám đốc Công ty TNHH đóng tàu Đại Dương tại Hải Phòng) tổng cộng 60 tỉ đồng.
Ông Hảo đưa tiền này cho Công ty cổ phần Hàm Rồng (công ty do Hảo lập ra) để đầu tư vào dự án khu căn hộ Trường An ở Bình Dương và mua đất tại quận 7 (TP.HCM). Đến năm 2009, số tiền nợ tăng lên 75 tỉ đồng gồm cả gốc lẫn lãi.
Sau đó, ông Hảo dùng dự án Trường An thế chấp cho Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam Chi nhánh Bắc Sài Gòn - BIDV để vay 92 tỉ đồng.
Để có tiền trả cho ông Tám, Hảo bàn bạc với Hai ký hợp đồng thuê tài chính và hợp đồng mua bán khống giữa các công ty để rút 120 tỉ đồng của ALCII. Hảo chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền vào tài khoản công ty của Hai trả nợ cho ông Tám 75 tỉ đồng còn lại các bị cáo chiếm đoạt sử dụng cá nhân.
Ngoài ra, Hảo đã bàn với Hai ký bảy hợp đồng thuê tài chính, mua bán tài sản với các công ty của Hai giải ngân trái phép hơn 500 tỉ đồng. Số tiền này được lãnh đạo ALCII sử dụng để xóa nợ xấu của các doanh nghiệp tại chính ALCII và cho các công ty này vay kinh doanh gây thiệt hại gần 330 tỉ đồng.

Bị án Đặng Văn Hai, từ đối tác thành đồng phạm với quan tham Vũ Quốc Hảo. Ảnh: HY

Từ năm 2013 đến 2015, TAND các cấp đã nhiều lần xét xử và tuyên phạt tử hình bị cáo Hảo và Hai về các tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Đáng chú ý là tại phiên phúc thẩm tháng 10-2016, hai sếp tham ô này đã "dùng tiền thế mạng" nhưng không thoát án tử.
Cụ thể, cựu tổng giám đốc ALCIII nói tại tòa tài sản của vụ án rất lớn nhưng do chưa thi hành án được, ông muốn "sống" để cùng khắc phục hậu quả vụ án này. Ông thừa nhận sai như án sơ thẩm tuyên nhưng mong có cơ hội sống để khắc phục thiệt hại.
Cùng với kháng cáo của chồng, vợ bị cáo Hai có đơn xin khắc phục hậu quả của chồng gây ra và mong HĐXX cho ông thoát án tử. Nhưng TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo của ông Hảo và Hai. Phán quyết của tòa án về trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Nhưng vướng mắc của vụ án là phần trách nhiệm dân sự nên đến nay hai bị án Hảo và Hai vẫn phải tiếp tục hầu tòa mà chưa bị thi hành án.
Cụ thể, trong các bản án đã xử trước đó, tòa tuyên hủy bỏ lệnh kê biên đối với tài sản là dự án khu căn hộ Trường An giao cho BIDV Bắc Sài Gòn phát mại theo quy định pháp luật để thu hồi số nợ gốc 92 tỉ đồng.
Số tiền còn lại, BIDV Bắc Sài Gòn có nghĩa vụ chuyển trả cho ALCII 75 tỉ đồng ông Hảo đã chiếm đoạt. Nếu không đủ, ông Lê Đoàn Tám (người có quyền nghĩa vụ liên quan) có nghĩa vụ nộp lại cho ALCII do tiền ông Hảo trả cho ông Tám trước đó là tiền phạm tội mà có.
Tuy nhiên, phần dân sự này đã bị quyết định giám đốc thẩm của bị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hủy để xét xử lại...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm