Vì sao tòa xử kín vụ giám đốc sở bị vu khống?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) cho biết Điều 25 BLTTHS 2015 quy định:
“Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.
Do đó bị hại là ông Hồ Phước Thành (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai) có đơn xin xét xử vắng mặt và TAND tỉnh Gia Lai đưa vụ án ra xét xử kín là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi tại phiên tòa, có thể có những vấn đề được nêu ra sẽ liên quan đến vấn đề đời tư, danh dự nhân phẩm của bị hại.


TAND tỉnh Gia Lai đã đưa vụ án ra xét xử kín.

Theo cáo trạng, năm 2017 ông Dương Văn Trang (Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai) và ông Võ Ngọc Thành (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai) có công văn gửi Tổng cục An ninh Bộ Công an và Công an tỉnh về vụ việc trên.

Theo đó, từ khoảng giữa năm 2016 đến giữa năm 2017, lãnh đạo tỉnh này thường xuyên nhận được tin nhắn nặc danh có nội dung xúc phạm, mạt sát, chỉ trích các quyết sách của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cá nhân chủ chốt của Tỉnh ủy thời điểm đó và của khóa trước.
Tháng 8-2017, ông Hồ Phước Thành (Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai) có đơn trình báo về việc bị người khác xúc phạm, vu khống.
Một đêm khuya đầu tháng 12-2017, Công an tỉnh Gia Lai tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của ông Hồ Sỹ Nhân (SN 1966), thu giữ nhiều điện thoại và SIM. Ngay hôm sau, ông Nhân bị bắt khẩn cấp.
Kết quả điều tra, ông Nhân khai nhận đã nhắn nhiều tin nhắn với nội dung tố cáo thiếu căn cứ, bịa đặt, vu khống… ông Hồ Phước Thành tới các lãnh đạo chủ chốt và trưởng các ban, ngành của tỉnh Gia Lai. Nguyên nhân, ông Nhân khai doanh nghiệp Đại Phát (do ông làm giám đốc) làm hồ sơ đề nghị Sở KH&ĐT xin cấp phép đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại Pleiku nhưng nhiều lần bị sở này gây khó để không tham mưu UBND tỉnh cấp phép.
Ông Nhân cho rằng chính ông Thành là người gây khó ễ đối với doanh nghiệp của mình. Do đó từ cuối năm 2015 đến cuối năm 2017, ông Nhân đã nhiều lần dùng 30 SIM điện thoại không chính chủ rồi tự soạn ra nhiều nội dung bịa đặt không có căn cứ, vu khống ông Thành. Đồng thời, ông Nhân còn gửi những nội dung đó đến điện thoại di động của lãnh đạo chủ chốt tỉnh. Thời gian gửi tin nhắn chủ yếu là vào dịp đại hội Đảng, họp HĐND tỉnh để làm mất uy tín của ông Thành.
Ngoài ra, ông Nhân còn nhắn một số tin nhắn có nội dung phản ảnh thiếu căn cứ, vu khống một số công trình do UBND tỉnh làm chủ đầu tư và một số cá nhân khác. Hiện CQĐT chưa chứng minh được có sự tham gia của người khác.
Những tin nhắn vu khống ông Thành đã được các cơ quan chức năng có trách nhiệm trả lời và khẳng định những tin nhắn đó đều không có căn cứ.
Từ đó, VKSND tỉnh Gia Lai truy tố ông Nhân về tội vu khống theo điểm đ khoản 2 Điều 156 BLHS 2015 với tình tiết tăng nặng định khung là “đối với người đang thi hành công vụ”.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, luật sư của bị can Nhân cho rằng mục đích những tin nhắn của ông Nhân chủ yếu nhằm chống tiêu cực nhằm giúp các lãnh đạo ở địa phương biết và có hướng xử lý để tỉnh Gia Lai ngày càng trở nên giàu đẹp. Nếu vì mục đích bêu xấu, làm mất uy tín thì chắc chắn bị can Nhân đã chọn cách khác để những nội dung này được phát tán rộng rãi đến nhiều người hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới