Vì sao TP.HCM lập thành phố Tây, Nam, Bắc theo từng vùng?

(PLO)- TP.HCM đang thực hiện đề án Đầu tư - xây dựng 5 huyện lên quận hoặc thành phố giai đoạn 2021 - 2030 nhưng đến nay theo các dự thảo đồ án điều chỉnh quy hoạch của thì TP.HCM sẽ lập thành phố Tây, Nam và Bắc theo 3 phân vùng đô thị mới.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Báo cáo mới nhất của Sở Xây dựng TP.HCM vừa gửi Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM về chuyên đề Chương trình phát triển đô thị TP.HCM đến năm 2040 cho thấy các phân vùng đô thị Tây, Nam, Bắc mới để TP.HCM lập thành phố trực thuộc sẽ gồm các khu vực của các quận, huyện gộp lại và hình thành nên.

Các khu vực chính của 3 thành phố Tây, Nam, Bắc

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM, phân vùng đô thị phía Bắc (Thành phố Bắc) bao gồm khu vực phía Bắc Quốc lộ 1 của quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi hiện nay.

Trung tâm chính của phân vùng đô thị phía Bắc được tổ chức tại khu vực Bắc huyện Hóc Môn và phía Nam huyện Củ Chi. Đây là nơi thuận lợi tiếp cận đường vành đai 3, Quốc lộ 22 và đường cao tốc Mộc Bài - TP.HCM.

Đồng thời khu vực này sẽ tổ chức các trung tâm tại trung tâm huyện Củ Chi hiện hữu và tại đô thị ven sông Sài Gòn - khu vực Trung An, nằm phía Đông Nam hồ trữ nước.

Phân vùng đô thị phía Tây (Thành phố Tây) bao gồm khu vực phía Đông Quốc lộ 1 của quận Bình Tân, khu vực phía Bắc và trung tâm của huyện Bình Chánh đến phía Tây sông Cần Giuộc.

Trung tâm chính của phân vùng đô thị phía Tây được tổ chức tại khu vực Tân Kiên và phụ cận, lấy các chức năng y tế, giáo dục cấp vùng làm trọng tâm. Quy hoạch các trung tâm khu vực tại Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu đô thị Đại học Hưng Long... gắn với giao thông công cộng quy mô lớn.

Phân vùng đô thị phía Nam (Thành phố Nam) bao gồm khu vực phía Nam Kênh Đôi thuộc quận 8, khu vực phía Đông sông Cần Giuộc thuộc huyện Bình Chánh, quận 7, huyện Nhà Bè và Cần Giờ hiện nay.

Trung tâm chính của phân vùng đô thị phía Nam được tổ chức tại khu vực Phú Mỹ Hưng mở rộng xuống phía Nam, đến khu trung tâm đô thị gắn với công viên công cộng tại khu vực phía Bắc Phước Kiển (huyện Nhà Bè hiện nay).

Quy hoạch các trung tâm khu vực tại khu vực phía Nam Phước Kiển, ven sông Nhà Bè, dọc đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu vực Bình Khánh và tại khu đô thị lấn biển Cần Giờ, kết nối với trung tâm khu đô thị Cần Thạnh mở rộng.

Thành phố Tây 1.jpg
Các phân vùng đô thị với 3 đô thị vệ tinh để TP.HCM lập Thành phố Tây, Nam, Bắc. Ảnh: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060.

Vì sao 5 huyện không lên Thành phố?

“TP.HCM không nên thành lập thành phố theo từng huyện như Hóc Môn, Nhà Bè... sẽ manh mún và không hiệu quả” - báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM về kết quả Hội thảo khoa học tham vấn Định hướng phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giai đoạn 2026-2030 cuối tháng 8 nêu.

Theo đó, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng khi đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh (tiêu chuẩn đô thị loại III), thành phố cần tiếp tục nghiên cứu để thành lập mô hình thành phố thuộc thành phố, liên kết giữa các quận, huyện như quận 12 và huyện Hóc Môn hoặc quận 7 và huyện Nhà Bè để phù hợp với quy mô cấp thành phố.

“Khi quy hoạch 3 đô thị vệ tinh mới, thành phố cần lưu ý khu vực quy hoạch đất nông nghiệp khi triển khai do dân cư nông thôn (các huyện) còn khá lớn. Thành phố cần triển khai phát triển vùng nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp đô thị, trong đó cần đầu tư kiểm soát duy trì mật độ thấp hơn so với khu vực đô thị. Chú ý thiết kế mẫu nhà ở nông thôn sao cho phù hợp để khi chuyển tiếp thành đô thị sẽ thuận tiện cho người dân” - Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM góp ý thêm.

Viện cũng lưu ý TP.HCM được quy hoạch là thành phố đa tâm, tuy nhiên bên cạnh trung tâm chính ở từng khu đô thị vệ tinh, thành phố cần quy hoạch bổ sung một số trung tâm chuyên ngành như trung tâm giáo dục, trung tâm y tế, trung tâm văn hóa...

“Ngoài ra, khi phát triển giao thông, bên cạnh đầu tư xây mới, thành phố cần mở rộng các tuyến hiện hữu giao thông đường bộ để nâng cao hiệu quả khai thác. Thành phố cần xem xét tổ chức các tuyến giao thông chuyên dùng (tuyến vận tải hàng hóa, tuyến kết nối cảng) tách khỏi giao thông đô thị nhằm hạn chế ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông”, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM phân tích.

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã hoàn thiện báo cáo chuyên đề “Chương trình phát triển đô thị TP.HCM đến năm 2040" để đưa vào dự thảo báo cáo chính trị phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030.

Theo đó, Sở Xây dựng TP đề xuất lập đồ án quy hoạch chung đối với các khu vực dự kiến hình thành đô thị mới sau năm 2030 (Thành phố Tây, Thành phố Bắc, Thành phố Nam).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm