Vì sao TP.HCM nên bỏ tổ dân phố?

Vì sao TP.HCM nên bỏ tổ dân phố?

(PLO)- Nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng chủ trương bỏ tổ dân phố ở TP.HCM là điều cần thiết nhưng cần có lộ trình thực hiện cụ thể.

TP.HCM hiện có hai cấp trung gian dưới phường xã gồm khu phố - ấp là cấp triển khai, tổ dân phố - tổ nhân dân là cấp thực hiện. Các địa phương khác trên cả nước đều thực hiện mô hình một cấp dưới phường, xã, thị trấn và lấy tên gọi chung theo các văn bản của Trung ương là thôn - tổ dân phố.

Vừa qua, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã trình Ban Thường vụ Thành ủy TP chủ trương sắp xếp khu phố - ấp theo quy định của Trung ương. Với chủ trương này, sau khi bỏ cấp tổ dân phố - tổ nhân dân, mỗi khu phố có 450 hộ trở lên với bình quân 1.800 nhân khẩu và ấp có 350 hộ trở lên với bình quân 1.400 nhân khẩu.

Và theo như chủ trương này, hiện TP.HCM có 277 khu phố - ấp dưới chuẩn phải sắp xếp lại, 926 khu phố - ấp trên chuẩn phải chia tách và 805 khu phố - ấp đủ chuẩn giữ nguyên.

Khi đó, TP.HCM sẽ giảm từ 27.377 khu phố - ấp, tổ dân phố - tổ nhân dân xuống còn 5.242 khu phố - ấp. Bộ máy dưới cơ sở của TP cũng sẽ giảm từ hơn 64.000 người giảm chỉ còn hơn 26.000 người. Việc này giúp TP tiết kiệm gần 45 tỉ đồng/năm, lộ trình thực hiện đến hết quý I-2025.

Thông tin tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi trong tuần qua, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết Ban Thường vụ TP đang lắng nghe ý kiến, góp ý của các địa phương trước khi hoàn thiện và báo cáo Trung ương.

Bỏ tổ dân phố, mong cán bộ sát sao với dân hơn

Là tổ trưởng tổ dân phố quản lý hơn 97 hộ dân tại khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức hơn 20 năm qua, ông Nguyễn Hộ cho biết gánh nặng của tổ dân phố rất nhiều, càng làm càng nặng. 20 năm, từng nhà dân, tính cách của từng hộ dân, ông Hộ đều nắm rõ trong lòng bàn tay.

“Chưa bàn tới tiền nong, tôi chỉ nghĩ mình làm được gì cho dân thì làm thôi. Nhiều khi cũng đụng chạm tới quyền lợi của dân nhưng khéo léo thì mọi chuyện sẽ êm” - ông Hộ nói và chia sẻ một phần nhờ gia đình ổn định nên ông được toàn tâm toàn ý với công tác ở tổ dân phố.

Nói về chủ trương bỏ tổ dân phố, ông Hộ bảo làm vậy là hợp lý. "Tuy nhiên phải có giải pháp để cán bộ khu phố, phường sát sao với đời sống nhân dân. Làm thế nào để dân thấy công an thì cũng muốn tiếp xúc như với tổ dân phố” - ông Hộ nói.

tp.hcm-xoa-bo-to-dan-pho

Ông Nguyễn Hộ, góc phải ảnh hỗ trợ thức ăn cho người dân trong đợt dịch COVID-19. Ảnh: NVCC

Trong khi đó, hay tin về chủ trương này, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng khu phố 3, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức bày tỏ nhiều lo lắng. Bởi Khu phố 3 hiện có hơn 1.124 hộ dân, chưa tính dân tạm trú và các khu chung cư. Dưới khu phố này có 10 tổ dân phố đang hoạt động.

Theo bà Thanh, tổ dân phố là nơi đảm đương hầu hết tất cả các đầu việc mà cấp phường giao về. Những công việc như vận động người dân chung tay hỗ trợ người nghèo, đóng góp cho quỹ Vì biển đảo quê hương, tuyên truyền, vận động nhân dân… đều là cấp tổ dân phố vận động, thực hiện.

“Bởi họ gần dân hơn, nói dân cũng dễ nghe hơn. Dân có thắc mắc gì cũng tìm đến tổ dân phố trước tiên” - bà Thanh nói và nhìn nhận nếu bỏ cấp này, sẽ rất khó khăn cho các khu phố.

Hiện nay, công tác quản lý đều có thể được đơn giản hóa bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy vậy với những vấn đề như thuế, liên quan đến tiền bạc thì phải gặp trực tiếp từng hộ dân. Lâu nay, tổ dân phố làm rất tốt việc này.

“Nếu bỏ tổ dân phố, chỉ có một trưởng khu phố thì không thể đi hết từng nhà được. Trưởng ban công tác mặt trận lâu nay chỉ làm công tác đoàn thể, họ cũng không có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động chính quyền, cần thời gian để quen việc” - bà Thanh nói và đưa ý kiến nên chăng xem xét lại, cấp cần bỏ là cấp khu phố chứ không phải là tổ dân phố.

Cử tri Trần Việt Trung, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức cho biết cá nhân ông cho rằng bỏ đi cấp này là việc nên làm. Theo cử tri Trung, cấp này lâu này chỉ làm theo thời vụ chứ không thường xuyên. Hơn nữa, chế độ hỗ trợ, phụ cấp cho họ cũng không tương xứng.

Trong khi đó, cử tri Lê Thanh Tùng băn khoăn, lâu nay, tổ dân phố là cấp gần gũi với người dân nhất, được xem là “chân rết” của phường. Nếu bỏ thì liệu các hoạt động của chính quyền có đến gần với dân được hay không.

TP.HCM trân trọng những đóng góp của cán bộ tổ dân phố

Đề cập đến việc sắp xếp lại khu phố - ấp cũng như nhân sự liên quan, trong buổi tiếp xúc với cử tri huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ ngày 24-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cho biết sẽ thực hiện đề án với kế hoạch và lộ trình rõ ràng.

“TP.HCM luôn luôn ghi nhận, trân trọng những đóng góp của các cô chú từng cống hiến cho các hoạt động của tổ dân phố thời gian qua” - ông khẳng định.

Theo ông Mãi, sắp tới, những cô bác, anh chị nào đủ điều kiện về thời gian, sức khỏe để làm tiếp thì TP rất trân trọng.

“Còn lại TP sẽ có hình thức ghi nhận, biểu dương"- ông Mãi cho hay.

Tăng trách nhiệm chính quyền địa phương

Ở góc độ chính quyền địa phương, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, cho hay thực tế một số khu phố, tổ dân phố có số hộ dân và nhân khẩu rất ít; ngược lại, một số khu phố, tổ dân phố lại có số hộ dân, nhân khẩu quá cao, rất khó để khu phố, tổ dân phố nắm bắt được hết.

Điều này cũng gây ra tình trạng có nơi thì ít việc, có nơi thì làm không xuể, vai trò của tổ dân phố ở những nơi ít dân cũng vì thế trở nên “nhạt nhòa”, không đồng đều.

Ông Tuấn cũng đồng tình với phương án thành lập khu phố - ấp với quy mô mỗi khu phố có 450 hộ trở lên và ấp có 350 hộ trở lên. Theo ông, với cơ cấu được bố trí và số dân phù hợp, khu phố sẽ phát huy được vai trò, hỗ trợ đắc lực cho phường – xã trong công tác điều hành, quản lý tại địa phương.

tphcm-xoa-bo-to-dan-pho

Cán bộ MTTQ phường Linh Tây cùng cán bộ khu phố chi tiền hỗ trợ cho người dân trong đợt dịch COVID-19. Ảnh: THANH TUYỀN

Vị Chủ tịch phường cho hay, mức hỗ trợ, trợ cấp hiện nay cho khu phố, tổ dân phố là quá thấp. Bí thư chi bộ, trưởng khu phố được trợ cấp 1.043.000 đồng/tháng, nếu kiêm nhiệm các chức vụ thì tổng mức hỗ trợ, trợ cấp được nhận tối đa là 1.564.500 đồng/tháng. Tổ trưởng dân phố nhận 547.000 đồng/tháng, tổ phó là 398.000 đồng/tháng.

“Mức trợ cấp, hỗ trợ nêu trên chỉ đủ xăng xe đi lại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Điều này chưa tạo được động lực, chưa ghi nhận được hết sự đóng góp của lực lượng tại khu phố, tổ dân phố. Việc tìm kiếm, vận động nhân sự tham gia công tác tại khu phố, tổ dân phố rất khó khăn” - ông Tuấn chia sẻ.

Sau khi thực hiện sắp xếp, mức trợ cấp cho cán bộ khu phố sẽ được nâng lên, ông Tuấn hy vọng tạo được sự phấn khởi, tinh thần trách nhiệm của lực lượng tham gia công tác tại khu phố; đồng thời sẽ giúp làm giảm được khâu trung gian trong triển khai công việc. Bởi lâu nay, các đầu việc đều giao về cho tổ dân phố nên khu phố không phát huy hết vai trò của mình.

Một lãnh đạo phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, thừa nhận, trong đợt dịch COVID-19, lực lượng này đã giúp phường rất nhiều trong việc thực hiện các gói hỗ trợ, triển khai công tác chống dịch. Với những câu chuyện nhỏ phát sinh ở khu dân cư, xích mích giữa các gia đình với nhau, lực lượng này cũng giúp công tác hòa giải ở cơ sở tốt hơn.

Dù vậy, theo đánh giá chung thì hiệu quả hoạt động của các tổ dân phố tại địa bàn cũng không mang lại nhiều hiệu quả...

Vị này cũng cho rằng, việc bỏ đi cấp tổ dân phố sẽ tăng trách nhiệm của chính quyền, của cán bộ và UBND phường, xã, cấp khu phố, phải sát sao hơn với đời sống người dân; phải xuống dân nhiều hơn. Chế độ cho cấp khu phố được tăng lên cũng khuyến khích họ làm việc tốt hơn.

TP.HCM sẽ tính lộ trình thực hiện phù hợp thực tế

Lãnh đạo phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, cũng băn khoăn về áp lực với cán bộ khu phố khi bỏ đi cấp bên dưới.

Phường Hiệp Bình Phước hiện có tổng số dân hơn 65.000 người, chia thành sáu khu phố, 89 tổ dân phố. Nếu thực hiện theo chủ trương sắp xếp, số khu phố ở phường Hiệp Bình Phước từ sáu khu phố sẽ tăng lên 30 khu phố. Mỗi khu phố có ba người làm (bí thư chi bộ, trưởng ban điều hành và trưởng ban công tác mặt trận) thì công việc sẽ áp lực hơn.

Vì vậy, song song với việc bỏ tổ dân phố, vị này cho rằng cũng cần điều chỉnh hoạt động của các khu phố sao cho hợp lý, tăng hiệu quả trong công tác quản lý địa bàn.

Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh Nguyễn Ngọc Tuấn nhìn nhận với lộ trình mà TP đưa ra là quý I-2025, các địa phương sẽ có đủ thời gian lựa chọn nhân sự, sắp xếp bộ máy, xác định lại ranh giới, thông tin đến người dân… Đồng thời, tránh ảnh hưởng, xáo trộn đột ngột đối với cả người dân và lực lượng đang tham gia tại khu phố, tổ dân phố.

Trong thời gian này, các dữ liệu dân cư quốc gia cũng đã được số hóa, nhiều dịch vụ công được thực hiện trực tuyến nên cán bộ khu phố không cần lo lắng sẽ quá tải công việc.

Ông Tuấn cho rằng vấn đề cần quan tâm trong quá trình sắp xếp là cần xác định địa giới mới cho các khu phố, bố trí trụ sở sinh hoạt của khu phố, lựa chọn tìm kiếm nhân sự phù hợp. Cùng với đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính, cập nhật giấy tờ có liên quan cho hộ dân khi thay đổi khu phố…

Đối với các chung cư đủ điều kiện thành lập tổ dân phố, ông Tuấn nói cần xác định rõ và hài hòa vai trò, trách nhiệm của người hoạt động không chuyên trách khu phố với Ban quản lý, Ban quản trị các chung cư.

Thông tin đến cử tri trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP sẽ hợp nhất, sắp xếp khu phố, ấp với tổ dân phố, tổ nhân dân. Tùy tình hình thực tế, TP sẽ tính tiếp việc tổ chức sao cho hợp lý, đảm bảo việc hoạt động của các khu phố - ấp cũng như quyền lợi của người dân.

Duy trì tổ dân phố làm lu mờ vai trò của khu phố

Theo TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường ĐH Luật TP.HCM, tổ dân phố hiện nay hoạt động chưa hiệu quả. Vai trò, chức năng của cấp này cũng không rõ, “danh phận” cũng không chính thống.

TS Trí cho rằng cả chính quyền và người dân dường như đang hiểu chưa đúng về tổ dân phố. “Phía chính quyền thì giao cho cấp này những việc mà lẽ ra nhà nước phải làm. Còn từ phía người dân thì nhìn cấp này như một cấp chính quyền. Từ đó sinh ra câu chuyện hoạt động không đúng vị trí, vai trò, dẫn đến tình trạng lạm quyền”- TS Trí nói.

Bà Trí cũng nhìn nhận nếu duy trì cấp tổ dân phố thì vai trò của khu phố bị lu mờ. Khi thiết lập mô hình chính quyền đô thị, lẽ ra phải áp dụng cơ chế tự quản địa phương, thực hiện tự quản ở cấp khu phố nhưng hiện nay, chính quyền lại không áp dụng cơ chế này.

“Bây giờ khu phố rút luôn, coi mình như một cấp chính quyền của phường, đẩy hết cho tổ dân phố thì dần dần không thấy rõ vai trò của cấp khu phố ở đâu. Người dân cũng không nhìn thấy vai trò của khu phố”- TS Trí nói và nhấn mạnh, việc bỏ tổ dân phố sẽ nâng dần vai trò của khu phố lên mạnh hơn, chính sách nhà nước sẽ đi trực tiếp xuống dân, không qua cấp trung gian, tránh được tình trạng “bóp méo chính sách”.

TP.HCM-xoa-bo-to-dan-pho

Cán bộ khu phố, tổ dân phố khu phố 6, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức hỗ trợ UBND phường tiếp nhận thông tin để được hỗ trợ trong đợt dịch. Ảnh: THANH TUYỀN

TS Trí nói, khi xây dựng chính quyền đô thị thì cần phát huy vai trò của dân, để người dân chủ động hơn.

Với những phường đông dân, TS Trí đề nghị việc phân định khu phố cần linh hoạt, theo tình hình từng khu vực dân cư, không nên quy định cứng nhắc mỗi khu phố phải từ 450 hộ dân trở lên, ấp phải từ 350 hộ trở lên.

“Làm như vậy vô tình sẽ tách các cụm dân cư, các khu dân cư một cách cơ học để phân định khu phố, sự chia tách cơ học này sẽ làm giảm tính kết nối trong khu phố. Trong khi vai trò của khu phố là kết nối dân cư, giúp hình thành cầu nối để hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự địa bàn” - TS Trí nêu ý kiến.

Bà cũng cho rằng cần mạnh dạn bỏ tổ dân phố để bộ máy linh hoạt, gọn nhẹ và quan trọng hơn là tập cho người dân thói quen tham gia vào những hoạt động hành chính, chính trị tại địa phương, không phụ thuộc vào tổ dân phố.

Còn nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Châu Minh Tỷ cho rằng việc bỏ cấp tổ dân phố- tổ nhân dân lẽ ra phải làm từ lâu. Theo ông, cần tổ chức lại quy mô của khu phố để dễ quản lý hơn, đồng thời tính toán lại cơ chế để nâng cao hiệu quả của cấp khu phố.

Ông ví dụ, trong các cuộc họp định kỳ, nếu bỏ tổ dân phố rồi cũng cần quy định cụ thể bao lâu thì tổ chức họp dân một lần; đảm bảo việc lấy ý kiến người dân ở cơ sở, đưa thông tin của dân đến với chính quyền. Các khu phố có quy mô dân số quá lớn thì việc bầu ban điều hành khu phố cũng khó thực hiện.

Cán bộ khu phố: Không thể “sống lâu lên lão làng”

Khi bỏ đi cấp tổ dân phố, vấn đề về năng lực của cán bộ khu phố để cấp này hoạt động hiệu quả hơn cũng là vấn đề nhận được nhiều quan tâm.

TS Nguyễn Thị Thiện Trí chia sẻ, lâu nay, dường như cán bộ khu phố ở nước ta đều được đề đạt dựa theo quan niệm truyền thống, có tính nể nang, sự tôn trọng nên thường chọn người lớn tuổi, có tiếng nói, uy tín, theo kiểu “tình làng nghĩa xóm”… Trong một vài sự vụ như giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn giữa các hộ dân thì người lớn tuổi lên tiếng sẽ dễ nghe, dễ dàng đồng thuận hơn.

Tuy nhiên hiện nay, việc quản lý một cộng đồng dân cư cũng cần người có năng lực quản lý, có sự nhanh nhẹn, sâu sát hơn.

Theo TS Trí, uy tín của một người cũng có nhiều thước đo chứ không chỉ nằm ở tuổi tác. Những người trẻ có năng lực, chuyên môn, sâu sát được khu dân cư vẫn có tiếng nói của riêng họ. Họ cũng có thế mạnh để làm công tác an sinh xã hội…

“Tôi nghĩ rằng nên cho tự ứng cử. Trong khu đó có ai làm được thì khuyến khích để họ tự nguyện làm, tự ứng cử vì thực ra công việc này không tự nguyện thì khó mà làm toàn tâm” - TS Trí nói.

Cử tri Trần Việt Trung nói rằng, nếu bỏ tổ dân phố khi cấp khu phố phải nâng mình lên, làm việc có hiệu quả và năng suất hơn. Trưởng khu phố phải là người có trình độ, đáp ứng được kỹ năng về công nghệ thông tin, hiểu rõ các chính sách và thông tin chính xác đến người dân, có kỹ năng quản lý tốt.

“Họ phải là người có trình độ chứ không theo kiểu truyền thống “sống lâu lên lão làng”"- cử tri Trung nói.

Đi kèm với những đòi hỏi đó, cần một chế độ hỗ trợ tương xứng cho những người hoạt động không chuyên trách ở khu phố- ấp. Bởi càng gần dân, càng nhiều sự vụ phức tạp, bất kể ngày hay đêm đều phải có mặt giải quyết.

Đọc thêm

Bình Dương có thêm một thành phố

Bình Dương có thêm một thành phố

(PLO)- Với quyết nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bình Dương chính thức có năm TP là Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và TP Bến Cát.

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy