Trong buổi tiếp xúc giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng tổ ĐBQH TP.HCM với cử tri quận Gò Vấp ngày 22-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có thông tin với cử tri rằng TP đã xây dựng đề án sắp xếp các tổ chức cấp dưới phường, xã.
Ông Phan Văn Mãi cho hay, Ban Thường vụ Thành ủy đã cho ý kiến về tờ trình của đề án này.
Tinh gọn bộ máy
Theo tìm hiểu, hiện TP.HCM đang duy trì mô hình tổ chức tự quản hai cấp gồm: mô hình khu phố - ấp và mô hình tổ dân phố - tổ nhân dân thuộc 249 phường, 58 xã, 5 thị trấn trên địa bàn TP và được xây dựng, tồn tại từ những ngày đầu thành lập chính quyền TP.HCM cho đến nay.
Cán bộ khu phố phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức hỗ trợ người dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, năm 2020. Ảnh: THANH TUYỀN |
TP.HCM nhận định, mô hình tổ dân phố - tổ nhân dân bên dưới khu phố - ấp của TP hiện không còn phù hợp với quy định của Bộ Nội vụ.
Việc đề xuất sắp xếp lại mô hình tổ chức dưới phường, xã, thị trấn nhằm tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đối với các tổ chức bên dưới cấp xã, giảm số lượng tổ chức bên dưới (tổ dân phố, tổ nhân dân), tăng mức phụ cấp cho nhân sự tham gia.
TP.HCM đánh giá, hoạt động của hai mô hình trên có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, giúp phát huy vai trò tự quản, giữ gìn an ninh trật tự, phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Trong đại dịch COVID-19, lực lượng này đã cùng chính quyền thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.
Dù vậy, chính quyền TP cũng nhìn nhận một điều là số lượng dân cư ở các khu phố - ấp, tổ dân phố - tổ nhân dân không đồng đều, địa bàn phân bổ rộng dẫn đến khó khăn trong việc nắm bắt tình hình dân cư. Với tốc độ đô thị hóa và tăng dân số cơ học nhanh như hiện nay, số lượng nhân sự sẽ không ngừng tăng lên.
Việc có hai cấp tổ chức dưới cấp xã, tình trạng hành chính hóa, hoạt động không đúng nhiệm vụ, quyền hạn của khu phố - ấp, tổ dân phố - tổ nhân dân, dẫn đến tình trạng quá tải công việc; kinh phí hỗ trợ cũng không tương xứng công sức hoạt động.
Tiết kiệm 45 tỉ đồng/năm
Phương án sắp xếp được đưa ra là mô hình tự quản dưới phường, xã, thị trấn tại TP.HCM chỉ còn một cấp là khu phố - ấp, không còn tổ dân phố - tổ nhân dân. Mỗi khu phố có 450 hộ trở lên; mỗi ấp có 350 hộ trở lên.
Sau khi sắp xếp 27.377 tổ chức hiện tại (2.008 khu phố-ấp; 25.369 tổ dân phố- tổ nhân dân), TP sẽ còn lại 5.452 khu phố - ấp, gồm 4.000 khu phố, 1.242 ấp, chiếm 79,35%.
Số người hoạt động theo nghị định số 34 là từ 64.293 người còn 15.726 người, giảm 48.567 người, chiếm 75,55%.
Về số lượng người hưởng phụ cấp, thực hiện phụ cấp theo Quyết định 48/2015 của UBND TP.HCM, các khu phố - ấp có 13 chức danh hưởng phụ cấp. Sau khi sắp xếp sẽ còn 3 chức danh gồm: bí thư chi bộ, trưởng khu phố - ấp, trưởng ban công tác Mặt trận.
Để đảm bảo hoạt động rộng khắp và đưa các hoạt động phong trào triển khai đến đoàn viên, hội viên, Ban cán sự Đảng UBND TP bổ sung thêm 2 chức danh là Chi hội trưởng hội phụ nữ và Bí thư Chi đoàn thanh niên. Sau sắp xếp, sẽ có 5 chức danh ở khu phố - ấp hưởng phụ cấp.
Sau khi sắp xếp khu phố - ấp, số người hoạt động hưởng phụ cấp tại khu phố- ấp từ 64.293 người còn 26.210 người, giảm gần 60%.
Khi sắp xếp lại khu phố - ấp, chỉ có 5 chức danh người hoạt động không chuyên trách hoạt động với số hộ dân ở mức 450 hộ/ khu phố và 350 hộ/ấp là tương đối cao, áp lực nên cần bầu chọn được những người có tâm huyết và có khả năng thích ứng với cường độ công việc, có khả năng sử dụng công nghệ thông tin khi tham gia nhiệm vụ ở khu phố - ấp.
Về tiến độ thực hiện, Ban cán sự Đảng TP xác định các nội dung sắp xếp khu phố - ấp hoàn thành trong năm 2025. UBND TP tổ chức tổng kết việc sắp xếp trên trong tháng 4-2025.
Mô hình mà TP.HCM đang đề xuất xây dựng giúp kinh phí hoạt động hàng năm giảm từ hơn 527 tỉ đồng xuống còn 482 tỉ đồng, tiết kiệm 45 tỉ đồng.
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Mục tiêu của Nghị quyết là nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Nghị quyết nêu rõ nhiệm vụ của chính quyền địa phương là từng bước sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật; khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương. Khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước.