Cuộc họp nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông do các tài xế dùng tiền lẻ để phản đối trong những ngày qua.
Đánh giá lại vị trí đặt trạm
Sau cuộc họp, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, cho biết chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận về chủ trương, vị trí đặt trạm. “Nhiều người thắc mắc sao thu phí cho dự án hầm Đèo Cả ngoài huyện Vạn Ninh mà lại vào thị xã Ninh Hòa đặt trạm. Thực ra đây là dự án nâng cấp mở rộng QL1, không liên quan dự án hầm đường bộ Đèo Cả”.
Cũng theo ông Minh, chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở GTVT khẩn trương khảo sát lại vị trí đặt trạm BOT Ninh An có phù hợp chưa. Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ xác minh, có biện pháp để xử lý dứt điểm tình trạng một số người quá khích, có hành vi gây rối, cố tình cản trở giao thông, gây mất an ninh trật tự tại trạm BOT Ninh An.
Tài xế tiếp tục phản đối
Sáng cùng ngày, nhiều tài xế điều khiển xe qua trạm BOT Ninh An nhưng không chịu trả tiền mua vé để phản đối. Một số người dừng xe, yêu cầu giải thích vì sao đặt trạm BOT Ninh An tại xã Ninh Lộc. Tình trạng trên gây ùn tắc tại trạm trong hơn 30 phút.
Các tài xế cho rằng việc đặt trạm thu phí Ninh An tại xã Ninh Lộc là không hợp lý do các xe đi từ QL26 ra QL1 về phía Nam chỉ sử dụng gần 6 km đường thuộc dự án BOT mở rộng QL1. “Phải chăng họ dời trạm thu phí từ xã Ninh An vô Ninh Lộc là để thu hết các xe từ QL26 xuống?” - một tài xế bức xúc.
Tài xế Nguyễn Trung Điền (thị xã Ninh Hòa) cho rằng có sự chưa công bằng trong việc miễn phí đối với các xe ở địa phương. Theo quy định, các xe đăng ký trong bán kính 7 km được miễn giảm nhưng có người ở cách trạm chỉ 4 km lại không được.
Trưa cùng ngày, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn - đơn vị quản lý trạm thu phí BOT Ninh An, đã mời 10 tài xế vào đối thoại. Theo ông Thủy, trạm thu phí Ninh An đặt ở xã Ninh Lộc là để đảm bảo khoảng cách tối thiểu trên QL1 giữa hai trạm thu phí 70 km theo quy định. Việc vẫn giữ tên trạm Ninh An có thể gây nhầm lẫn.
Ông Thủy cho rằng danh sách miễn giảm thu phí là do chính quyền địa phương lập, có thể có thiếu sót. Công ty sẽ gửi văn bản cho chính quyền địa phương đề nghị rà soát lại số phương tiện bị sót.
Đổi tên, không di dời
Làm việc với PV, ông Trần Phúc Tự, Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Đèo Cả Khánh Hòa, khẳng định không có chuyện chủ đầu tư tự ý di chuyển trạm từ xã Ninh An đến xã Ninh Lộc. “Vị trí này nằm trong phạm vi dự án, đã được nhà đầu tư, Bộ GTVT ký trong hợp đồng dự án BOT và cũng được UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất” - ông Tự nói.
Cũng theo ông Tự, việc đặt tên trạm BOT Ninh An đang gây hiểu lầm. Trước khi có dự án BOT QL1, có một trạm thu phí cho dự án hầm Đèo Cả đặt tại xã Ninh An, gọi là trạm Ninh An nhưng nay đã giải thể. Sau khi dự án BOT mở rộng QL1 hoàn thành, Công ty CP BOT Đèo Cả Khánh Hòa xây dựng một trạm thu phí mới, đặt tại xã Ninh Lộc nhưng cũng lấy tên là trạm Ninh An, bắt đầu thu phí từ tháng 1-2016, dự kiến thu trong 21 năm. “Chúng tôi đang làm thủ tục đổi tên trạm này thành trạm Ninh Lộc để tránh nhầm lẫn với trạm Ninh An trước đây“ - ông Tự thông tin.
Trước ý kiến cho rằng vị trí đặt trạm BOT tại xã Ninh Lộc nhằm thu các xe đi từ QL26, ông Tự nói: “Không chỉ QL26 mà còn rất nhiều đường ngang đi vào QL1. Các xe đi về phía Bắc sử dụng đường BOT nhưng không phải trả phí. Các trạm khác trên QL1 đều như vậy. Chúng ta không thể nào hài hòa tất cả”.