Mấy ngày qua dư luận ầm ĩ việc Văn Hậu cự tuyệt đội tuyển U-23 Việt Nam (VN) sắp chơi vòng chung kết U-23 châu Á với mục tiêu ít nhất vào bán kết để kiếm một suất chơi Olympic Tokyo 2020. Thực chất Văn Hậu không ngây thơ và cộc cằn đến mức xem nhẹ nghĩa vụ quốc gia nhưng việc đi hay ở không nằm trong ý thức chủ quan của Hậu.
Khi Văn Hậu không có quyền tính
Đừng bắt Văn Hậu phải suy tính chọn lựa hoặc ở lại CLB Heerenveen để tìm suất đá chính trong giải vô địch Hà Lan, hay thích về tuyển U-23 VN chơi giải châu Á. Đơn giản hậu vệ của Hà Nội không thể trả lời câu hỏi này vì không có quyền tự quyết khi nằm trong guồng quay của bóng đá chuyên nghiệp.
Ai cũng biết Văn Hậu chạy biên trái của các đội tuyển quốc gia ổn định nhất trong số các đồng nghiệp dù chỉ mới 20 tuổi. Xuyên suốt hai năm qua, hậu vệ biên của Hà Nội luôn nằm trong trí nhớ của HLV Park Hang-seo và khi cần ông kéo vào giữa vẫn chạy tốt hơn vài trung vệ thứ thiệt. Lối chơi bóng dùng sức mạnh và không ngại va chạm của Văn Hậu, đặc biệt với chiều cao luôn là điểm đến của các tình huống cố định giúp Văn Hậu có hơn một suất chọn lựa của thầy Park.
Nhớ khi Văn Hậu đột ngột đòi rời khỏi đội tuyển quốc gia đang tập trung cho vòng loại thứ hai World Cup 2022 để sang Hà Lan kiểm tra y tế chuẩn bị ký hợp đồng với Heerenveen, ông Park lo sốt vó. Đấy cũng là lần ngoại lệ ông thầy Hàn tổ chức họp báo bất thường, có ý giận dỗi về việc không quản được quân, đồng thời với trách nhiệm ở các đội tuyển. Biết chắc là không thể hoãn cơ hội của Văn Hậu, ông Park đành bấm bụng yêu cầu phải cho hậu vệ này về chơi SEA Games 30 nếu không muốn bị ảnh hưởng đến chỉ tiêu vàng.
Thầy Park rất cần Văn Hậu nhưng vòng chung kết U-23 sắp tới ông buộc phải vắng học trò cưng. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Lý do Văn Hậu không thể về với U-23
Ở thế không thể quay lưng, ông chủ của CLB Hà Nội là bầu Hiển dặn dò cộng sự khi làm hợp đồng cho Văn Hậu phải kèm theo điều khoản cho về chơi SEA Games, không thì Heerenveen có trả 10 triệu USD cũng không ký. Dĩ nhiên chẳng ai trả 10 triệu USD cho một hậu vệ trái của Đông Nam Á trong thời điểm ấy cả, mà điều quan trọng là Heerenveen khuyết một chỗ ngồi trên ghế dự bị không mảy may hề hấn gì.
Hơn bốn tháng làm bạn thân với ghế dự bị, Văn Hậu cũng có 4 phút ra sân ở giải cúp Hà Lan, tính luôn cả 3 phút bù giờ, khi trận đấu đã an bài với chiến thắng 2-0 cho Heerenveen. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là HLV Johnny Jansen có hứa hẹn đến đầu năm 2020, Văn Hậu mới hội đủ điều kiện về chuyên môn, sự hòa nhập lẫn khả năng nắm bắt chỉ đạo bằng tiếng Anh sẽ chiếm chỗ ra sân nhiều hơn. Đấy cũng là thời điểm U-23 VN tham dự vòng chung kết U-23 châu Á - giải đấu không nằm trong hệ thống thi đấu của FIFA và theo luật, Heerenveen có quyền không nhả cầu thủ.
Nằm trong hoàn cảnh này, người ta mới biết vì sao Văn Hậu không thể về với thầy Park!
Cơ hội mở ra cho cầu thủ mới Bầu Hiển tiết lộ HLV Park Hang-seo từng đề nghị ông thỏa thuận với CLB Heerenveen cho cầu thủ Văn Hậu về chơi U-23 VN nhưng bất thành, khác hẳn với lúc anh về chơi SEA Games 30. Và trong một tháng ấy, CLB Hà Nội phải thay thế Heerenveen trả lương cho Văn Hậu, nghe nói là 40.000 euro. Chắc chắn ở vòng chung kết U-23 châu Á sắp tới, ông Park sẽ không có sự phục vụ của Văn Hậu là một thiệt thòi lớn. Tuy nhiên, ai cũng biết ông Park có tài ứng biến hiệu quả trong nhiều hoàn cảnh cứ ngỡ là bất lợi. Như ở trận chung kết SEA Games 30, lần đầu tiên ông cho Hồ Tấn Tài sở trường biên phải sang đá biên trái do Thanh Thịnh chấn thương, để Văn Hậu vào đá giữa vẫn ổn định. Nó cũng giống như hồi Văn Thanh bị chấn thương, ông Park rèn giũa ra một Văn Hậu chín chắn như ngày hôm nay. Cánh cửa Văn Hậu để lại sau lưng sẽ mở ra cho một đồng nghiệp mới. |