Nghề tạc tượng ở làng Vũ Lăng đã có từ rất lâu đời nay. Có những người lớn tuổi ở đây có những người cũng không biết có từ khi nào, chỉ biết từ nhỏ đã nhìn thấy ông cha làm, rồi lớn lên cũng theo nghề.
Theo người dân nơi đây, trước kia dụng cụ để làm rất thô sơ chỉ là những chiếc đục, cưa, bào thủ công.
Cộng thêm bàn tay khéo léo, tài tình của những người thợ thổi hồn cho những bức tượng.
Ngày nay nhờ có cưa máy, bào máy… đã giảm bớt sức lao động, đỡ vất vả hơn cho người thợ phần nào, và cũng rút ngắn thời gian làm ra một bức tượng. Tuy nhiên, nhiều công đoạn thủ công vẫn là khâu không thể thay thế.
Tượng ở đây được làm chủ yếu là Tượng Phật Di Lặc, Phật Thích Ca Mâu Ni, tượng Cô, tượng Cậu, tượng La Hán… tùy vào người đặt hàng.
Những người thợ nơi đây không cần nhìn hình ảnh cũng có thể tạc ra một bức tượng có hồn, chỉ cần biết tên tượng, kích thước là có thể làm ra.
Để làm một pho tượng phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau như xẻ gỗ, đục phá, sửa, đục gọt, quét đất sét, sơn lót, đánh bóng, sơn tượng...
Tùy theo yêu cầu của khách mà tượng dát vàng hay dát bạc, tượng càng lớn, lượng vàng dát càng cần nhiều và càng kỳ công.
Những người thợ ở đây chia sẻ, việc làm tượng với những kích thước khác nhau thì đòi hỏi yêu cầu cũng phải khác nhau: Nếu tượng lớn đòi hỏi người thợ không chỉ khéo léo mà cần có sức khỏe dẻo dai và giàu kinh nghiệm, biết nhìn thớ gỗ để đục phá thế nào để tượng vừa cân đối lại tiết kiệm được nguyên liệu cũng như thời gian.
Nếu là tượng nhỏ đòi hỏi khi tạc phải thật tỉ mỉ và phải chính xác. Để hoàn thành những tượng cỡ nhỏ thì phần hoàn thiện đắp sơn vá tượng, mài, sơn tượng chiếm nhiều thời gian nhất. Sơn cũng có thể coi là một nghề riêng đòi hỏi sự kỳ công.
Thời gian làm một pho tượng nhỏ thường mất từ năm đến bảy ngày công...
Những tượng có kích thước lớn phải mất đến cả tháng trời với hai người làm mới có thể hoàn thiện.
Các sản phẩm tượng gỗ làng Vũ Lăng bán đi nhiều nơi trên cả như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP.HCM...