Chiều 16-7, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết từ đêm 16 đến 20-7 lũ sẽ xuất hiện trên thượng lưu hệ thống sông Hồng với biên độ lũ lên 2-3 m; trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình biên độ lũ lên 4-6 m. Bão số 2 sẽ trực tiếp đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung bộ gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cấp 8-9 vào rạng sáng mai (17-7) và gây mưa trên diện rộng.
Bão số 2 diễn biến bất thường
Do ảnh hưởng của bão, các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa từ chiều nay. Mưa lớn dự báo xảy ra ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An với tổng lượng mưa 250-350 mm. Các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Hà Tĩnh có mưa phổ biến 150-250 mm, khiến nhiều khu vực đô thị, thành phố các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ có nguy cơ ngập úng. Lũ quét và sạt lở đất gia tăng trở lại ở các tỉnh miền núi phía bắc, khi khu vực này đã có mưa liên tục từ đầu tháng 6 đến nay.
Trong khi đó, tại phiên họp trực tuyến với các tỉnh, thành trực tiếp ảnh hưởng bão số 2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng đề nghị các địa phương cấm biển, sơ tán dân vùng nguy cơ mất an toàn, hoàn tất mọi công việc trước 17 giờ chiều nay. Ông Thắng nhận định: “Với những diễn biến bất thường của bão số 2 thì khoảng 4 giờ sáng mai bão đã cập bờ nhưng có thể đến sớm hơn lúc 1 giờ, hoặc muộn hơn lúc 7 giờ ngày 17-7 với cường độ cấp 9, tức là sức gió khoảng 90 km/giờ”.
Bão số 2 được nhận định là có diễn biến bất thường. Ảnh: NCHMF
Tại phiên họp trực tuyến, ông Thắng thông tin ba tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có hơn 1.350 hồ lớn nhỏ, trong đó nhiều hồ có nguy cơ thiếu an toàn. Ông Thắng đề nghị các đơn vị thực hiện xả lũ phải thông tin sớm cho chính quyền vùng hạ du nhằm thông báo kịp thời tới nhân dân để có biện pháp di dời an toàn về người và tài sản.
Đại tá Lê Thanh Sơn, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng, thông tin hiện có khoảng 2.000 tổ bộ đội biên phòng xuống các địa phương cùng dân ứng phó với bão. Toàn bộ tàu thuyền ngoài biển đã nhận được thông tin về bão. Bộ đội biên phòng cùng địa phương sẽ sắp xếp tàu thuyền vào nơi tránh trú, không nhất thiết tàu tỉnh nào phải quay về tỉnh đó.
Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Trương Đức Nghĩa cảnh báo chính quyền và người dân không nên chủ quan vì đây là cơn bão đầu tiên vào Việt Nam, dù không mạnh nhưng diễn biến khó lường. Đây cũng là thời điểm có nhiều công trình dang dở, nhất là thủy điện thủy lợi và lượng khách du lịch nhiều nên các địa phương cần chủ động theo dõi, đảm bảo thông tin để không gây thiệt hại.
Khẩn trương di dời dân, tàu thuyền đến nơi an toàn
Trong một diễn biến khác, chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện khẩn số 19. Công điện yêu cầu các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ninh phải hoàn thành việc kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi trú tránh.
Tổ chức sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn, đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch.
Ủy ban cũng chỉ đạo việc kiểm tra và sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các công trình đê điều hồ đập, đặc biệt đối với các trọng điểm đê điều xung yếu, hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các công trình đang thi công hoặc công trình đang xử lý, khắc phục sự cố.
Rạng sáng mai bão số 2 trực tiếp đổ bộ vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ảnh: NHCMF
Bố trí lực lượng kiểm soát, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, đường ngập nước, đò ngang, đò dọc khi có mưa lũ. Triển khai ngay các phương án tiêu thoát nước đô thị để ứng phó với tình trạng ngập lụt có thể xảy ra. Tăng cường thông tin cảnh báo và sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn hạ du các hồ chứa khi có lệnh vận hành xả lũ, nhất là đối với hạ du hồ chứa nước Hòa Bình, Tuyên Quang.
Tại Thanh Hóa, trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM,ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh Thanh Hóa hiện vẫn còn hơn 8.000 lao động và 1.700 tàu thuyền đang khẩn trương tìm nơi tránh trú an toàn. Cũng theo ông Quyền, việc mưa lớn phổ biến tại Thanh Hóa có thể sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn của hồ đập trong tỉnh, trong khi đó địa phương hiện còn khoảng 121 hồ không đảm bảo an toàn.
Cũng theo ông Quyền, ngay sau cuộc họp trực tuyến khẩn trương ứng phó với bão số 2, UBND tỉnh đã có công điện chỉ đạo sẵn sàng sơ tán dân khi có lệnh ở vùng nguy cơ sạt lở, vùng cửa sông, ven biển, đồng thời thực hiện các biện pháp sẵn sàng ứng cứu khẩn cấp khi có sự cố xảy ra.
Tại Nghệ An, 17 giờ chiều 16-7, trên địa bàn các huyện, thị xã ven biển và TP Vinh (Nghệ An) trời đã ngớt mưa giông, ít gió. Nhiều người dân đang hối hả phòng chống bão số 2 đổ bộ. Tại TP Vinh, công nhân đang chặt tỉa cành cây tại 44 tuyến đường. Do thời gian quá gấp rút, những cây xanh có nguy cơ bị gãy đổ cao được ưu tiên làm trước.
Tàu thuyền vào neo đậu ở Cửa Hội (thị xã Cửa Lò, Nghệ An).
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 3.900 tàu thuyền với hơn 18.000 ngư dân đánh bắt hải sản vào cập bờ, neo đậu (đạt 100%). Hiện nay chỉ có một ít tàu thuyền ngoài tỉnh đang trên đường vào Nghệ An tránh bão.
Chiều 16-7, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cùng đoàn công tác kiểm tra tại thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc. Lãnh đạo thị xã Cửa Lò (Nghệ An) cho biết đã gần 300 tàu thuyền của bà con ngư dân ở thị xã Cửa Lò và hơn 40 tàu thuyền của bà con ngoài tỉnh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi vào nơi trú ẩn, neo đậu an toàn.
Tàu đánh bắt hải sản các tỉnh phía Nam vào neo đậu ở Nghệ An, tránh bão số 2.
Mặc dù bão số 2 chưa vào đất liền nhưng hai ngày nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa giông, lượng mưa trung bình khoảng 80 mm khiến trên quốc lộ 48 và quốc lộ 16, đường tỉnh lộ 532 bị sạt lở nhiều đoạn taluy dương, taluy âm khiến đất đá lở và bồi lấp mặt đường.
Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho biết hiện ở Nghệ An đã gieo cấy được hơn 90.000 ha lúa mùa và lúa hè thu; hơn 30.000 ha lạc, ngô, vừng, đậu và hơn 8.000 ha rau màu các loại. Tuy nhiên, số diện tích trên đang có nguy cơ mất trắng khi bão số 2 tới. Hơn 19.000 ha nuôi trồng thủy sản nguy cơ mất trắng.
Ngư dân chuẩn bị lương thực, thực phẩm chống bão và chuẩn bị ra khơi khi bão tan.
Theo ghi nhận đến chiều 16-7, vùng biển Cửa Lò, Cửa Hội đã có sóng to, biển động dữ dội nhưng rất đông người dân và du khách vẫn tiếp tục xuống tắm biển. Tại đây không chỉ người lớn mà trẻ em cũng xuống tắm, nô đùa với sóng biển, bất chấp nguy hiểm. Tại cảng ở Cửa Hội, nhiều tàu cá đang vận chuyển lương thực, thực phẩm và đá lạnh xuống tàu để... chuẩn bị ra khơi. Các chủ tàu cho biết dự kiến ngày mai, sau khi bão đổ bộ vào đất liền, tàu thuyền lại ra khơi đánh bắt hải sản.
Những con tàu lớn vào neo đậu ở hạ nguồn sông Lam.
Lúc 11 giờ trưa 16-7, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đã ra công điện về việc cấm tàu thuyền ra khơi trong cơn bão số 2. Theo đó, cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về neo đậu trước 17 giờ chiều 16-7. Tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi đảm bảo an toàn.
Tại Hải Phòng, chiều cùng ngày, Chánh Văn phòng UBND TP Hải Phòng Nguyễn Kim Pha cho biết: “Ngay chiều 15-7, chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã có công điện khẩn gửi UBND các quận, huyện cùng lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị về việc ứng phó với cơn bão số 2. UBND TP cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai. UBND TP giao Sở NN&PTNT kiểm tra công tác phòng chống bão vào sáng 16-7. Cho đến nay, tình hình chuẩn bị khá yên tâm rồi”.
Công điện khẩn của Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các đơn vị liên quan:
“Bằng mọi biện pháp liên lạc, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm. Đồng thời khẩn trương di chuyển về nơi tránh trú an toàn; tổ chức neo đậu tàu thuyền trong các khu tránh trú; di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn; kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải đang neo đậu.
Chủ động triển khai thực hiện các phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở các khu vực ven sông, ven biển, các khu nhà cũ bị xuống cấp xung yếu, khu du lịch biển; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão và bảo vệ an toàn về người và tài sản.
Tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, các công trình đang thi công (đặc biệt là các công trình tại Cát Hải, Bạch Long Vĩ); bảo vệ các khu nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi, cầu tàu, bến cảng, bến phà biển, phà sông, kho tàng, tàu vận tải, tàu du lịch...
Chủ động điều tiết nước trong hệ thống thủy lợi để bảo vệ hoa màu, mạ, lúa mới cấy; khơi thông cống, kênh tiêu thoát nước, hạ thấp nước trong các hồ điều hòa để chủ động phòng chống ngập úng đô thị; tổ chức cắt tỉa cành và bảo vệ cây xanh.
Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu; tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.
Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai của Hải Phòng đã tham gia hội nghị trực tuyến ứng phó bão số 2.
Tính đến thời điểm chiều 16-7, lực lượng biên phòng thành phố đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 2.992 phương tiện với 10.859 lao động; 494 lồng bè với 951 lao động; 250 chòi canh với 271 lao động đang hoạt động, neo đậu để chủ động phòng tránh. Sở NN&PTNT TP Hải Phòng là cơ quan thường trực đôn đốc, tổng hợp báo cáo.