Bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 22 giờ ngày 16-7, vị trí tâm bão ở trên vùng biển các tỉnh Thanh Hóa - Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 11-12.
Đến 4 giờ ngày 17-7, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 10-11.
Trong 12-24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Trung Lào.
Đường đi của bão số 2. Ảnh: NCHMF
Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) tiếp tục có gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 11-12; sóng biển cao 4-5 m, vùng ven biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sóng cao 2-4 m; biển động rất mạnh.
Do ảnh hưởng của bão, từ ngày 16 đến 18-7 ở Bắc bộ và các tỉnh Bắc Trung bộ có mưa to đến rất to. Sau đó xuất hiện lũ trên thượng lưu hệ thống sông Hồng và Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh với mức báo động 1 và trên báo động 1. Quảng Bình ở mức báo động 1 và báo động 2.
Vùng núi phía Bắc và Bắc Trung bộ xuất hiện lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng. Khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-3 m; biển động.
• Chiều cùng ngày, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn có công điện khẩn, yêu cầu các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Quảng Ninh phải hoàn thành việc kêu gọi các tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi trú tránh.
Tổ chức sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn; triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch. Tăng cường thông tin cảnh báo và sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn hạ du các hồ chứa khi có lệnh vận hành xả lũ...