Liên quan đến vụ bé tai 1 tuổi bị bạo hành dã man rồi bỏ rơi tại bệnh viện ở Hà Nội, thông tin từ cơ quan công an, Đ.L.H (34 tuổi, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội), mẹ của bé trước đó đã bị bắt tạm giam về tội mua bán trái phép chất ma túy.
Nhiều người đặt câu hỏi việc CQĐT tạm giam người này khi đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi có đúng quy định pháp luật hay không?
Bé T.T.A đang tiếp tục được điều trị tại BV Nhi TW sau khi bị bạo hành dã man
Về nhân thân của ĐLH, bà Hoàng Thị Nga (bà ngoại bé trai 1 tuổi) cho biết có hai người con, trong đó ĐLH.
Chị này lấy chồng, sinh được ba đứa con thì chồng đi tù. H. bỏ lại cả ba cho vợ chồng bà N. chăm sóc. Nhiều năm rồi, H. không chu cấp, cũng chẳng về thăm con.
Vì đã bỏ đi từ lâu, bà Nga không hay việc con gái mình sinh thêm cháu. Đến tháng 7-2017, khi H. bị bắt vì buôn bán ma túy, bà mới biết.
Trước đó, H. còn sinh một cháu gái với chồng “hờ”, xong rồi cũng bỏ cho nhà nội nuôi, không qua lại chăm sóc gì.
H. liên tiếp dính vào các vụ án ma túy. Tháng 8-2016, H. bị Công an quận Ba Đình bắt vì tội buôn bán trái phép chất ma túy nhưng được tại ngoại do đang trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 36 tháng.
Hơn một tháng sau, H. lại bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt vì cùng tội danh trên và tiếp tục được tại ngoại. Đến tháng 7-2017, một lần nữa H. bị Công an phường Ngô Thì Nhậm (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bắt vì buôn bán ma túy.
Sau khi bị bắt, H. đã giao T.A cho một người bạn nhờ nuôi. Người này tiếp tục giao bé cho N.T.H (trú tại Yên Phụ, Ba Đình). Sau đó sự việc bạo hành xảy ra, N.T.H mang bé tới BV rồi bỏ lại.
Trao đổi vấn đề này, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng cơ quan công an ra quyết định bắt tạm giam đối với ĐLH là không sai.
Theo đó, điểm b khoản 2 Điều 88 BLTTHS năm 2003 quy định đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử.
“Pháp luật đã nhân đạo đối với các trường hợp được thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang biện pháp ngăn chặn khác. Tuy nhiên, nếu các đối tượng lợi dụng quy định này để tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội thì đã có quy định dự phòng nói trên” – LS Thơm nói.