Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay 28-10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết TP đang chịu sức ép rất lớn về đô thị, giao thông, dân cư. Ông cũng thông tin TP đang giải bài toán này bằng cách phát triển ra khu vực ngoại thành, giãn dân khu vực trung tâm.
. Thưa ông, tại buổi thảo luận tổ về nhiệm vụ kinh tế-xã hội mới đây, nhiều ý kiến của đoàn ĐBQH Hà Nội nêu vấn đề TP đang chịu sức ép lớn về đô thị, giao thông. Sức ép đó hiện ở mức độ nào?
+ Ông Hoàng Trung Hải: Hà Nội tăng trưởng về dân số khoảng 2,4%/năm, xu thế đó không ngăn được mặc dù có Luật Thủ đô nhưng lại có luật về tự do cư trú nên người dân có quyền cư trú nơi nào phù hợp với điều kiện sống của họ.
Năm năm qua số lượng ô tô của Hà Nội tăng trung bình 16,9%/năm (hiện Hà Nội có 560.000 chiếc), xe máy tăng gần 8% (hiện có 5,5 triệu chiếc), tốc độ dân số tăng 2,4% (tương đương tăng 200.000 người/năm). Trong khi diện tích nội đô vẫn vậy, tốc độ đầu tư cho đường sá, hạ tầng của Hà Nội chỉ 3,9%/năm, nhìn thấy bất cập.
TP đang rất nỗ lực cố gắng giảm mật độ dân cư khu trung tâm, việc này đã có định hướng, có kế hoạch chiến lược từ lâu nhưng đều bất cập ở chỗ vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng thiếu, đó vẫn chỉ là mong muốn của mình, vẫn chưa phải là mong muốn của người dân. Như khu đô thị Láng - Hòa Lạc, đầu tư sáu năm rồi, nhưng nay mới có một số khu đô thị ở đó đưa vào hoạt động, tức là mình mong muốn nhưng bao giờ cũng có độ trễ.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải
. Vậy Hà Nội đang và sẽ giải bài toán “sức ép đô thị, giao thông” này như thế nào?
+ Ông Hoàng Trung Hải: Hiện TP đang tập trung dành vốn hoàn thiện, đầu tư các đường vành đai và các trục đường trung tâm kết nối nội đô với các đô thị bên ngoài, tức phát triển đô thị ra ngoài, thay vì phát triển vào trong.
Vừa qua, TP đã rà soát các dự án nhiều năm không triển khai để dừng lại, dành đất cho không gian đô thị như: khởi công sáu hồ, làm một số công viên, không gian cho giao thông và công cộng. Còn những dự án đã cam kết từ trước thì bắt buộc phải cho làm, những dự án có thể dừng được thì dừng tối đa và đẩy các dự án ra ngoài nội đô một cách tối đa. Việc này sẽ mất khoảng 5-7 năm để khu vực phía ngoài phát triển.
Bên cạnh đó Hà Nội cũng ưu tiên đầu tư đồng bộ các thiết chế xã hội và văn hóa. Người dân quan tâm con tôi đến ở đó có trường học không, có chợ không...
Còn trong nội đô, Hà Nội phải tiếp tục đầu tư các kết nối, các đường trên cao, đường sắt đô thị như: tuyến Nhổn - ga Hà Nội (hoàn thành năm 2021); Cát Linh Hà Đông (năm 2018); đang khởi động trở lại tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo…
Chúng ta đã quy hoạch tám tuyến (đường sắt đô thị) nhưng vẫn chưa đủ cho đô thị 10 triệu dân, chúng ta phải tiếp tục quy hoạch đấu nối. Vậy vốn ở đâu ra, đặc biệt là vốn làm cho tàu điện ngầm, mặc dù Hà Nội kêu gọi đầu tư từ nhiều nguồn nhưng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm. Nếu không làm tàu điện ngầm thì sẽ hết sức khó khăn cho giao thông của Hà Nội trong những năm tới.
Hà Nội có năm đô thị vệ tinh, đã quy hoạch xong bốn cái, còn Hòa Lạc tới đây Thủ tướng phê duyệt nữa là năm. Bây giờ TP phải kêu gọi các nhà đầu tư vào lập quy hoạch và phát triển các khu đô thị vệ tinh đó, nếu phát triển, kết nối được thì sẽ tạo ra khả năng lan tỏa phân bố dân cư ra ngoài. Như vậy TP cần nguồn vốn rất lớn, cần có thời gian, do độ trễ lớn nên phải tích cực đẩy mạnh.
Hà Nội sẽ giảm xe cá nhân theo lộ trình Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng cho biết Hà Nội đã có đề án quản lý để hạn chế xe cá nhân, đẩy mạnh phương tiện giao thông công cộng. “Đề án đang đưa ra lấy ý người dân, cũng nhận được ý kiến nhiều chiều. Chúng tôi sẽ tiếp tục bàn thảo, hoàn thiện đề án này nhưng chúng ta phải hiểu đến một lúc nào đó phải hạn chế xe cá nhân chẳng hạn như “xe biển chẵn đi ngày chẵn, biển lẻ đi ngày lẻ”, hay tiến tới phải cấm xe máy… Nhiều quốc gia đã áp dụng phương án đó nhưng người ta có nguồn vốn, có năng lực tài chính hơn chúng ta” - ông Hải nói. Cũng theo ông Hải, Hà Nội cũng đặt ra lộ trình có thể đến năm 2030 các quận nội đô sẽ không lưu thông xe máy. Việc đề ra lộ trình như vậy nhằm để người dân sẽ có thời gian để chuẩn bị, TP cũng có thời gian để đầu tư hạ tầng, mở rộng các phương tiện giao thông công cộng. Bí thư Hoàng Trung Hải cũng cho biết Hà Nội đang tập trung đầu tư cho giao thông công cộng. Hiện thủ đô có 96 tuyến xe buýt, với 1.500 đầu xe nhưng đến năm 2020 sẽ phải tăng thêm tuyến lên 150 và tăng đầu xe lên trên 2.000 chiếc. Ngay trong năm 2016, kế hoạch là tăng thêm tám tuyến xe buýt nhưng đến cuối năm sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch, mở mới thêm 11 tuyến xe buýt. Việc phát triển phương tiện vận tải công cộng của Hà Nội cũng cần nguồn vốn rất lớn, hiện TP phải bù lỗ cho xe buýt khoảng 800 tỉ đồng/năm, dự kiến đến năm 2020 sẽ phải bù lỗ 1.800 tỉ đồng/năm. |