“Biệt đội” canh gác hàng trăm con khỉ trên núi Sơn Trà

Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (TP Đà Nẵng) là nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm với số lượng lớn loài khỉ. Tuy nhiên, trong khoảng hai năm qua, tình trạng khách tham quan thường xuyên cho khỉ ăn đã vô tình “tập hư” cho loài vật này. Thay vì kiếm ăn trong rừng, hàng trăm con khỉ ở núi Sơn Trà thường xuyên mò xuống các tuyến đường lớn tại bán đảo để chờ đợi người dân, du khách cho ăn.

Trả lại tập tính tự nhiên của loài khỉ

Trước thực trạng trên, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (BQL) đã thực hiện tuyên truyền, dựng các biển cảnh báo, chỉ đạo nhân viên thuộc BQL tăng cường giám sát nhằm ngăn chặn người dân cho khỉ ăn.

Bốn nhân viên thuộc BQL túc trực thường xuyên tại bán đảo Sơn Trà. Anh Trần Văn Công có nhiệm vụ “gác” khỉ tại chốt gần khu vực Miếu Đôi ở đường Hoàng Sa. Anh Công cho biết anh làm nhiệm vụ theo hai ca trong ngày, trong đó ca sáng làm từ 9 giờ đến 11 giờ 30; ca chiều từ 15 giờ 30 đến 6 giờ.

Cùng với chiếc loa nhỏ phát những thông tin về việc “người dân không nên cho khỉ ăn tại bán đảo Sơn Trà”, anh cùng đồng nghiệp được giao nhiệm vụ nhắc nhở người dân chấp hành các quy định đối với động vật hoang dã tại bán đảo. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vẫn gặp khó khăn vì nhiều người dân thể hiện thái độ thờ ơ với các khuyến cáo, vẫn đến gần loài khỉ.

“Khi thấy nhân viên tới nhắc nhở, nhiều người lái xe bỏ chạy đến khu vực khác xa hơn để có thể cho khỉ ăn. Cá biệt hơn, nhiều người còn tỏ thái độ cự cãi với chúng tôi” - anh Công cho biết.

Bên cạnh việc thuyết phục người dân không cho khỉ ăn, các thành viên trong tổ giám sát tại bán đảo Sơn Trà còn phải thực hiện đuổi những chú khỉ quay trở lại rừng. Gần sáu năm làm việc tại BQL, anh Nguyễn Hữu Đạt cho biết đã chứng kiến nhiều chú khỉ vì tràn xuống đường xin ăn mà vô tình bị tai nạn, nhiều trường hợp khỉ bị thương nặng không qua khỏi.

“Phần lớn khỉ tập trung đông ở phía sau chùa Linh Ứng, chúng thường được khách ở chùa cho ăn nên có tính ỷ lại. Đến thời điểm này, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến chùa vắng khách nhưng số lượng khỉ tràn xuống đường, các khu vực miếu để lấy trộm thức ăn càng nhiều hơn” - anh Đạt nói.

Anh Đạt cho biết khi thấy khỉ đi trên đường lớn, anh cùng đồng nghiệp dùng gậy đập vào cây cối, bụi cây để tạo tiếng động lớn, mục đích để cho khỉ sợ, bỏ chạy vào rừng kiếm ăn, góp phần giúp cho loài khỉ quay lại với tập tính kiếm ăn tự nhiên.

Các nhân viên thuộc BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng làm nhiệm vụ “gác” khỉ tại khu vực gần chùa Linh Ứng. Ảnh: BÙI TOÀN 

BQL đã tuyển được 10 tình nguyện viên từ 19 đến 35 tuổi, phần lớn là các bạn sinh viên đang theo học tại các trường đại học ở địa phương. Những tình nguyện viên này thực hiện nhiệm vụ ứng trực, canh gác bầy khỉ tại các chốt từ Miếu Đôi đến các khu vực gần chùa Linh Ứng. 

Tình nguyện “gác” khỉ không công

Sau tết Nguyên đán, người dân đi trên bán đảo Sơn Trà dễ bắt gặp hình ảnh những thanh niên mặc áo có tông màu trắng xanh với dòng chữ “Hãy dừng tay hành động cho khỉ ăn - Hãy tôn trọng đời sống hoang dã của loài khỉ” in sau lưng áo. Đây là những thanh niên tình nguyện được BQL tuyển chọn với mong muốn phối hợp với nhân viên của ban xử lý dứt điểm tình trạng người dân cho khỉ ăn.

Vừa là một người hoạt động tích cực, lại lớn tuổi nhất trong nhóm tình nguyện viên “gác” khỉ, anh Lê Khả Thiên (sinh năm 1983, quận Sơn Trà) cho biết công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của anh rất được nhiều người trong gia đình ủng hộ. Anh Thiên chia sẻ động lực để anh làm công việc tình nguyện này là vì muốn giữ gìn một môi trường hoang dã cho các động vật tại bán đảo Sơn Trà.

Một số người dân hiếu kỳ sờ vào khỉ . Ảnh: BÙI TOÀN 

Anh Thiên cho hay: “Cứ vào khoảng 17 giờ chiều, nhiều phụ huynh lại chở con nhỏ mang theo nhiều kẹo bánh đến Sơn Trà ngắm khỉ. Điều này rất nguy hiểm vì nguy cơ khỉ tấn công người để lấy đồ ăn rất cao. Đối với những trường hợp này, chúng tôi cố gắng yêu cầu họ đứng cách xa bầy khỉ. Một số trường hợp cự cãi nhưng tôi vẫn kiên trì giải thích đến khi nào họ hiểu thì thôi”.

Hiệu quả từ các tình nguyện viên được tập huấn kỹ càng

Theo ông Phan Minh Hải, Phó BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, sau hơn một tháng có thêm lực lượng tình nguyện viên phối hợp cùng nhân viên BQL làm nhiệm vụ, tình trạng người dân cho khỉ ăn tại bán đảo Sơn Trà đã giảm đi rất nhiều.

“Hầu hết các tình nguyện viên đã được tập huấn kỹ càng nên công tác tuyên truyền đạt nhiều kết quả tích cực. Hy vọng trong thời gian tới nhiều người sẽ ý thức được hệ quả từ việc cho khỉ ăn, để giúp cho loài vật này quay trở lại với nét hoang dã vốn có” - ông Hải nói. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm