Cứ vậy, em bị bỏ 2-3 chuyến. Cuối cùng, cũng có chuyến được mấy em sinh viên hỗ trợ lên xe. Sau đó em ngại nên không muốn đi xe buýt nữa”, Trần Thị Hồng Ngọc (Hoóc môn) nhún vai trầm ngâm nhớ lại. Cả hội trường như lặng đi.
Trần Thị Hồng Ngọc kể lại câu chuyện của mình. Ảnh: Nguyễn Trà
Không riêng gì Ngọc, rất nhiều người khuyết tật có mặt tại Hội thảo "Thúc đẩy hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập xã hội thông qua việc đầu tư hệ thống xe buýt thân thiện và nhân văn" vào hôm nay (ngày 22-11) đều phản ánh tương tự.
Hội thảo do Trung tâm Khuyết tật và phát triển (DRD) phối hợp Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng TP.HCM tổ chức
“Đã khuyết tật còn đi một mình!”
Nguyễn Thị Huyền. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Nguyễn Thị Huyền (sinh viên năm ba, Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TP.HCM) kể chuyện em gặp rất nhiều nhân viên, phụ xe buýt tốt bụng, nhiệt tình. Nhưng thi thoảng cũng có vài người khiến em chạnh lòng.
“Em bị khuyết tật vận động bẩm sinh, di chuyển bằng xe lăn. Chủ nhật rồi, em bắt xe buýt từ Trần Quốc Thảo về Suối Tiên. Lúc ghé đón, nhân viên xe buýt nói là xe lăn của em di chuyển sẽ làm ảnh hưởng hành khách khác, không hỗ trợ em lên. Khi em được những khách khác hỗ trợ lên xe thì chị bảo: Đã khuyết tật còn đi một mình, làm em rất buồn! Em vẫn thường rèn luyện thói quen đi lại một mình, vì đâu phải lúc nào bạn bè, gia đình cũng kè kè ở bên giúp đỡ mình được!” - Huyền kể chuyện.
Hội thảo thu hút hàng trăm người tham gia. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Với Lê Thị Liên (sinh viên năm 2 Trường ĐHKHXH&NV) lại là một câu chuyện khác. “Nhân viên dù thấy em rồi nhưng không chủ động xuống xe để hỗ trợ. Một lần khác khi em đã lên xe rồi thì nhân viên từ chối phục vụ và kêu em xuống xe vì xe đông nhưng lúc ấy trên xe không hề đông. Em không chịu xuống, vẫn đi chuyến xe ấy vì xuống chắc chắn muộn giờ rồi nhưng thấy rất buồn” - Liên nhớ lại.
Tại cuộc hội thảo này, nhiều hành khách là người khuyết tật phản ánh đi xe buýt gặp phải nhiều vấn đề khó khăn như phải đứng đón xe dưới lòng đường, người khiếm thính không nghe được chuông báo, người khiếm thị không được hỗ trợ nhắc nhở điểm xuống, nên xuống nhầm bến, người đi xe lăn phải tự di chuyển lên xe, thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên không tốt…
“Chẳng lẽ người khuyết tật thì không được đi xe buýt” - một sinh viên lặng lẽ nói.
Đi xe buýt gặp vấn đề gọi 1022
Tiếp thu các ý kiến phản ánh, ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM - cho biết trung tâm sẽ nhanh chóng triển khai nhiều phương án nhằm hỗ trợ, khuyến khích người khuyết tật đi xe buýt. Bên cạnh đó sẽ kiểm tra, xử phạt nghiêm khắc đối với các tài xế, tiếp viên có thái độ cư xử không đúng với người khuyết tật.
Ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
“Áp lực công việc: Bán vé, xé vé, hướng dẫn cho nhiều người cùng lúc nhất là vào những giờ cao điểm khiến nhiều nhân viên hạn chế giao tiếp, nên cũng mong các bạn chia sẻ thêm! Mọi tuyến xe buýt hiện nay đều có số đường dây nóng, điện thoại doanh nghiệp. Bạn có thể gọi phản ánh đến doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước theo số điện thoại 1022, khi phản ánh bạn bạn nói rõ: Ngày giờ đi, đi trên tuyến đường nào, tuyến số mấy, chúng tôi sẽ xác minh và xử lý nghiêm nếu nhân viên vi phạm” - ông Trung khẳng định.
Trong khi đó, ông Hà Lê Ân - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng cũng kiến nghị: “Thẻ miễn phí đi xe buýt cho người khuyết tật hiện nay đang là thẻ ép nhựa, dùng thời gian lâu sẽ bị thâm đen, hư hỏng, cần thay đổi bằng thẻ nhựa như những thẻ ATM, thẻ siêu thị hiện nay sẽ bền và đỡ mất công đi lại cho người khuyết tật hơn”.