Từ tháng 7-2016, Hội Phụ nữ Công an TP.HCM đã phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) tổ chức thực hiện chương trình “Cấp căn cước công dân (CCCD) cho người có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP”. Kể từ đó, vào nhiều ngày cuối tuần, thay vì dành thời gian ở nhà chăm sóc gia đình, các chị em Hội Phụ nữ Công an TP.HCM thức dậy thật sớm, gói ghém máy móc, giấy tờ cùng các anh ở PC64 đi khắp các quận, huyện để cấp đổi CCCD cho nhiều hoàn cảnh thương tâm.
Gần đất xa trời cũng cần có CCCD
Trung tá Cao Thị Hồng Tươi, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP, cho biết CCCD là loại giấy tờ đặc biệt mà ai cũng cần phải có. Nó đảm bảo quyền lợi của một công dân thực sự nhưng trên thực tế, nhiều người còn chưa biết đến tầm quan trọng của nó nên ngó lơ hoặc nhiều người vì điều kiện quá khó khăn đã không đi làm được. Từ đó mỗi tháng hai lần, các chị em lại gác việc nhà để đến các quận, huyện ở xa làm thủ tục cấp CCCD tận nhà.
Cán bộ của đoàn công tác Hội Phụ nữ Công an TP.HCM và PC64 giúp cụ bà Đỗ Thị Đúng (80 tuổi) lấy dấu vân tay. Ảnh: LÊ THOA
Trung tá Tươi kể một cụ bà ở quận Bình Thạnh rất nghèo, không may ngã bệnh nặng, buộc phải mua bảo hiểm y tế (BHYT) để hỗ trợ chữa trị nhưng lúc đó bà không có CCCD nên không thể mua BHYT. Đoàn thấy cụ bà quá đáng thương nên đến tận nhà để làm CCCD cho bà. Lúc này lại phát hiện bà không những không có CCCD mà cũng không có hộ khẩu, sống đến quá nửa đời người rồi cũng không có nổi một giấy tờ tùy thân. Đoàn lại hỗ trợ để làm hộ khẩu cho bà, rồi chụp ảnh bà trên giường bệnh để làm CCCD cho bà đủ giấy tờ mua BHYT.
“Đừng nghĩ những người già gần đất xa trời thì không cần CCCD. Không phải đâu, bởi khi họ đau ốm, họ cần có CCCD để mua BHYT. Họ cần CCCD để hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước lúc khó khăn, thậm chí họ cần để thực hiện các thủ tục thừa kế, di chúc lúc họ qua đời... Chúng ta cần phải làm cho họ, đừng để đến lúc họ cần thì không có mà dùng” - Trung tá Tươi nói.
Trong số những trường hợp được làm CCCD tại nhà có rất nhiều người bị khuyết tật, tâm thần, đi lại khó khăn. Trung tá Tươi vẫn nhớ như in một trường hợp tâm thần ở huyện Bình Chánh. “Gia đình rất nghèo, chị đó lại không may mắc bệnh tâm thần. Khi chúng tôi đến nhà, giúp chị mặc áo để chụp ảnh làm thẻ, chị giãy, chửi đổng. Chúng tôi mất hơn một giờ đồng hồ thuyết phục, dỗ dành, thậm chí nhờ cả bà con xung quanh, cán bộ địa phương giúp nhưng vẫn không được. Cuối cùng, may có người chỉ, chúng tôi đi tìm một người có uy tín với chị này thì chị mới chịu ngồi im để chụp ảnh, lăn tay” - trung tá Tươi kể.
Lần đầu tiên trong đời được chụp ảnh
Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP, cũng đã nhiều lần đi cùng đoàn công tác thực hiện việc cấp đổi CCCD. Chị Tâm không giấu nổi xúc động khi kể về những trường hợp chị đã ghé thăm.
“Đợt đó chúng tôi về xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ; có ghé nhà một cậu bé bị bệnh bại não, không đi lại được. Tính ra em cũng đã 22 tuổi rồi nhưng không ai ngờ tấm ảnh chúng tôi chụp để làm CCCD cho em cũng chính là lần đầu tiên trong đời em được chụp ảnh. Lúc đó bản thân tôi giật mình, chợt nghĩ sức khỏe của em yếu như thế này, nếu hôm nay không chụp tấm ảnh này, lỡ như có rủi ro gì xảy ra liệu có ai còn nhớ đến em đã từng hiện diện trên cõi đời này không” - chị Tâm nghẹn ngào.
Thiếu tá Tâm kể cả gia đình em sinh sống trong căn chòi nhỏ ở mép sông, nước dâng cao xấp xỉ vô nhà. Đoàn muốn vô đến nhà phải đi bộ gần 2 km, tới nơi quân phục cũng nhem nhuốc nhưng nhìn cảnh em bị bại liệt, chỉ nằm một chỗ trên chiếc võng khiến ai nấy đều không cầm lòng. Lúc đoàn đến chụp ảnh, một người phải đỡ võng để em nằm thẳng, hai người đỡ hai bên, một người đứng nói chuyện để em nhìn thẳng vô máy ảnh. Cha mẹ em xúc động quá còn định lấy tiền, hái chanh trước nhà để trả công nhưng mọi người không ai nhận.
Càng đi càng muốn làm nhiều hơn nữa
Thiếu tá Tâm cho biết trên thực tế có một số trường hợp chưa làm được CCCD cho các cô chú như đã định sẵn khiến đoàn rất áy náy. Mới đây đoàn vượt 50 km về xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) để làm CCCD cho hơn 30 người già, học sinh. Đến nơi thì đoàn hay tin một cụ vừa qua đời. “Nghe tin rất xót xa, vì danh sách chỉ mới được lập rồi gửi lên đầu tuần thì cuối tuần đoàn xuống dưới. Chỉ trong một tuần thôi mà mọi thứ không còn kịp nữa…” - chị Tâm nghẹn lời.
Hay có trường hợp một cụ bà người Hoa ở quận 11, đã lớn tuổi lại đau bệnh không đi lại được nhưng không có CCCD. Khi đoàn đến nơi bảo làm CCCD miễn phí, gia đình rất mừng, cụ bà cũng vui nhưng đột nhiên xúc động quá mức nên ngất đi, gia đình phải đưa đi cấp cứu. Sau mới biết sức khỏe bà khá yếu lại hay bị xúc động nên đến nay vẫn chưa làm CCCD cho bà được.
Trung tá Cao Thị Hồng Tươi trăn trở: “Càng đi chúng tôi càng thấy nhiều người có hoàn cảnh đáng thương cần được giúp đỡ và chúng tôi muốn làm nhiều hơn nữa cho bà con. Chúng tôi nguyện làm hết sức mình, chỉ mong làm sao sắp xếp được công việc nhiều hơn để đến với bà con nhiều hơn”.
292 trường hợp đã được chương trình đến tận nhà làm CCCD, tính từ tháng 7-2016 đến nay. |