Cụ ông 70 năm đam mê cá lia thia

Ở phường An Hội, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ có một cụ ông năm nay 83 tuổi có niềm đam mê với cá bảy màu, cá lia thia được 70 năm. Ông là Bùi Chấn Chỉnh, ngụ nhà số 150/2 Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Bảng treo trước cửa nhà ông Chỉnh. Ảnh: NHẪN NAM

Đam mê cá lia thia từ thuở thiếu thời

Một buổi chiều mát giữa tháng 3-2020, chúng tôi tới nhà tìm ông trong con hẻm nhỏ ở đường Hoàng Văn Thụ, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Từ ngoài cổng, ai cũng dễ nhận ra nhà ông với tấm bảng trắng treo ngay ngắn hàng chữ “Bán cá kiểng”.

Kế bên nhà chính là một tấm bảng chỉ dẫn đường ra hồ cá. Khách đến cứ đi theo con đường tối tối bên hông nhà chính sẽ mở ra cả một thế giới cá của ông với lủ khủ các loại thau chậu, bình, hồ…

Thấy ông đang lần theo đường xẻ trên các thành hồ để thăm cá, chúng tôi cất tiếng gọi, phải vài lần ông mới biết có người tới tìm. Lý do là ông bị nặng tai cả hai tai, phải đeo máy trợ thính một bên để hỗ trợ.

Ông Chỉnh kể, ông có niềm đam mê với cá cảnh từ khi mới 13-14 tuổi và theo nó từ đó đến nay. Năm nay ông 83 tuổi, tức là niềm đam mê ấy đã theo ông 70 năm.

Ông Chỉnh năm nay đã 83 tuổi và còn rất minh mẫn. Ảnh: NHẪN NAM

Ông Chỉnh “khởi nghiệp” 70 năm trước với cá lia thia Thái và cá ta mình (lia thia ta). Lúc nhỏ cũng chưa biết về cá, ông làm thuê cho một gia đình bán cá kiểng và “học mót” các kinh nghiệm nuôi dưỡng, chăm sóc cá của họ.

“Cá gì tôi nuôi cũng thành công. Cá tôi nuôi loại nào cũng cho đẻ được hết” - ông Chỉnh kể với sự sung sướng tràn trong khóe mắt và vành môi.

Theo ông Chỉnh, một năm về trước ông bán nhiều, giờ thì bán ít hơn rồi. Mỗi ngày, trừ các chi phí thì tiền bán cá của ông thu được tầm 200.000 đồng.

“Tôi già rồi, không chi xài nhiều. Tôi không hút thuốc, không uống rượu. Mỗi sáng một ly cà phê và ổ bánh mì là xong. Trưa, chiều thì cơm nhà nên tiền cũng không xài mấy” - ông Chỉnh vui vẻ kể.

Một loại cá ba đuôi mà ông Chỉnh đang nuôi dưỡng. Ảnh: NHẪN NAM

Hỏi về các loại cá cảnh hiện có, ông kể vanh vách từng tên. Hiện tại ông đang nuôi tổng cộng ba loại là cá bảy màu, cá lia thia và cá ba đuôi.

Trong đó, bảy màu lại được chia ra thành các tên như bảy màu Mỹ, bảy màu Pháp, rồng đỏ, rồng vàng, Full Gold, Black Topaz, Black Lemon, Coredter, bảy màu rồng đỏ Thái, bảy màu tím.

Đắt tiền nhất là Black Lemon có giá 100.000 đồng/cặp, còn lại thì 50.000 đồng/cặp.

Lia thia gồm các tên như lia thia Thái, Helf Moon, Betta, Nemo, Nemo Galaxy, Fancy. Trong đó, đắt tiền nhất là Nemo Galaxy, giá 150.000 đồng/con, còn các loại khác giá 30.000-60.000 đồng/con.

Cá ba đuôi có các tên như Ranchu, Pingpong, Koi, Ranchu ngũ hoa. Loại này, giá đắt nhất là 300.000 đồng/con với loại con có kích cỡ lớn nhất, còn thì có nhiều giá 20.000-150.000 đồng/con.

Chăm cá như chăm con mọn

Ông kể, mỗi ngày tầm tảng sáng (khoảng 5-6 giờ), ông dậy đạp xe đi xúc loăng quăng, bo bo cho cá ăn. Thường ông sẽ đi chỗ nào có nước đọng. Mấy chục năm đi xúc cho cá ăn nên ông biết rõ chỗ nào có, rồi bạn bè chỉ thêm.  

Ông Chỉnh nuôi con bo bo để dành cho cá ăn. Ảnh: NHẪN NAM

Mỗi ngày ông cho cá ăn hai lần vào buổi sáng và tầm 2-3 giờ chiều. Ba, bốn ngày sẽ vệ sinh nước cho cá một lần.

“Vệ sinh cho cá thì lấy bùi nhùi lau sạch thành hồ, đợi lắng xuống rồi mình chắt bỏ nước cũ tầm 1/3 rồi châm nước mới bằng với lượng nước cũ.

Thường buổi chiều tôi dành thời gian đi thăm cá xem con nào yếu, nhìn cách nó lội như nào thì biết nó bị nấm gì rồi tìm loại thuốc phù hợp chữa cho nó.

Nuôi cá cực lắm. Mình phải theo dõi thường xuyên xem nó có bệnh, yếu gì không thì lập tức tìm cách chữa cho nó hết. Cá này mình phải chăm chứ không bỏ được. Tôi có cháu tiếp bán và súc rửa hồ chứ bảo quản và trị liệu thì vẫn là tôi làm thôi” - ông Chỉnh cho hay.

Không chỉ thế, ông còn theo dõi xem khi nào cá đẻ. Như cá ba đuôi, ông bảo khi thấy nó rượt nhau bơi vòng vòng là biết nó đang “mắc đẻ”. Khi đó, ông liền lấy rong rêu ở hồ kế bên thả sang cho nó đẻ vào đó. Đợi cá đẻ xong thì ông phải vớt rong rêu qua hồ khác ngay, chứ không những con cá lớn sẽ quay ra ăn hết trứng.

Trứng đẻ ra, ông chờ bốn ngày sau cá con ra đời thì vớt bo bo ở một hồ khác sang cho cá con ăn…

Công việc cứ thế mà nó cuốn hút ông 70 năm nay không bỏ được. Ngoài đam mê cá cảnh thì ông còn đam mê thứ hai với múa lân. Trong nhà ông có một bộ trống lân sư rồng, mỗi khi có ai mời thì ông lại kêu cả đội đi diễn.

Một đàn cá bảy màu trong hồ của ông Chỉnh.

 

Bo bo là gì?

Bo bo hay còn có tên gọi khác là bọ đỏ, moina, trứng nước - thuộc lớp động vật giáp xác, có kích thước nhỏ. Cơ thể bọ đỏ chứa nhiều enzyme tiêu hóa thức ăn như: proteinases, peptidases giúp tiêu hóa chất đạm, amylases giúp tiêu hóa tinh bột và hàm lượng axit amin thiết yếu cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm cá cũng như các loài thủy hải sản mà cơ thể chúng không tự tổng hợp được. (Theo website: khomay3a.com)

Lão nông miền Tây bày cách nuôi ốc bươu đen hiệu quả
Lão nông miền Tây bày cách nuôi ốc bươu đen hiệu quả
(PLO)- Tháng 3, miền Tây nắng như đổ lửa. Khoảng 9 giờ 30 sáng, chúng tôi tới nhà ông Lê Hoàng Thanh (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), "ông đỡ" của ốc bươu đen, hay được ví bằng cái tên dí dỏm “loài kỳ cục, ăn dơ, ở sạch”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm