Ông đỡ của ‘loài kỳ cục, ăn dơ, ở sạch’

Tháng 3, miền Tây nắng như đổ lửa. Khoảng 9 giờ 30 sáng, chúng tôi tới nhà ông Lê Hoàng Thanh (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), ông đỡ của “loài kỳ cục, ăn dơ, ở sạch”. Lúc này, ông Thanh mới bắt đầu cầm hộp xôi nhỏ trên tay chuẩn bị ăn sáng.

Ông Lê Hoàng Thanh bên chậu ốc bươu giống mới nở một ngày. Ảnh: NHẪN NAM

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tới nhà ông, đó là hàng chậu thau nhựa loại lớn xếp hàng dọc bên hông nhà. Đó là nơi ở ban đầu của loài “ăn dơ, ở sạch”. Những thau này chứa rổ nhựa, đỡ những buồng trứng của ốc bươu đen chuẩn bị nở và thau dưỡng ốc con để bán giống.

Gần 20 năm nuôi cá chuyển sang nuôi ốc

Ông Thanh năm nay 71 tuổi. Nói về nghề nuôi ốc, ông bảo, lớn tuổi rồi “làm cái này tương đối nhàn, nhẹ và hiệu quả”.

Cơ duyên ban đầu khi ông đến với con ốc là cách đây tám năm. Khi đó ông làm nghề nuôi cá với thâm niên gần 20 năm. Do chi phí thức ăn cho cá tốn khá nhiều và cá lại hay bệnh nên ông tìm cách đi vớt ốc bươu ở ruộng về nuôi cho cá ăn. Sau đó, tính lại ông thấy chi phí nuôi cá giảm được 50%. Nhưng thời điểm đó có người đi thu mua ốc với giá cũng khá.

Ông Thanh nhẩm tính giá bán của ốc so với cá trên cùng một diện tích nuôi thì thấy nuôi ốc có lời hơn. Vậy là từ đó, ông chuyển hẳn sang nuôi ốc bươu đen, nghiên cứu về nó từ cái trứng làm sao cho nở hiệu quả, nuôi đến tầm nào bán cho người nông dân nuôi thương phẩm đạt hiệu quả nhất…

Trứng ốc bươu đen sắp nở. Ảnh: NHẪN NAM

Từ đó, ông “bắt đầu nghiên cứu về con ốc và nghiên cứu một cách đam mê luôn” - ông Thanh chia sẻ.

Vừa ăn sáng, ông vừa kể chuyện về con ốc bươu đen theo lối hài hước, vui vẻ nhất. Sở dĩ ông gọi ốc bươu đen là “loài kỳ cục, ăn dơ, ở sạch” là vì con ốc bươu ăn dơ. Nó ăn bã thực vật là chủ yếu nhưng thậm chí xác động vật phân hủy hay bã phân chuồng nó cũng ăn. Nhưng nó ở sạch là vì nguồn nước nơi nó ở mà dơ bẩn là nó chết.

Đang ăn sáng, chợt điện thoại rung, ông bỏ dở hộp xôi trên bàn để nghe. Nghe ông trả lời thì có thể hiểu là có người hỏi đặt ông mua ốc giống nhưng ông hẹn qua tháng 4 mới có vì mới vừa bán hết một đợt…

Hiểu tỉ mỉ về con ốc bươu đen

Hàng ngày, buổi sáng thức dậy, sau cữ cà phê thì việc đầu tiên là ông Thanh đi coi đàn ốc con mới nở để vớt ra chậu riêng. Mỗi chậu ông đếm sẵn trong đó đúng 2.100 con ốc con. Trong đó, 2.000 con là bán, còn 100 con là số tặng thêm.

Xong việc tách đàn ốc mới nở, ông thả bèo tấm vào mỗi chậu để ốc ăn. Sau khi những con ốc con được cho ăn đâu vào đấy rồi thì tới lượt ông chủ của nó đi ăn sáng!

Mỗi buồng trứng ốc, từ lúc đẻ ra đến khi nở mất khoảng 18 ngày. Những ngày trời se se lạnh thì có thể kéo dài thêm một, hai ngày nhưng không quá 21 ngày.

Ốc từ lúc mới nở ra, nuôi trong bốn tuần bằng bèo tấm, lớn bằng đầu đũa thì bán cho người ta mua về nuôi ốc thương phẩm. Mỗi con ốc giống có giá 800 đồng.

Mỗi ngày ông Thanh phải dùng bình phun giữ mát cho trứng ốc. Ảnh: NHẪN NAM

Không chỉ bán ốc giống, nhà ông Thanh còn có 1.200 m2 mặt nước thả ốc thương phẩm. Mỗi tuần ông thu hoạch bán cho thương lái 100 kg ốc thương phẩm, với giá bình quân khoảng 60.000 đồng/kg, loại 25 con/kg.

Buổi chiều mát, tầm khoảng 17 giờ thì ông chèo xuồng đi nhặt trứng ốc mang về. Mỗi ngày ông nhặt khoảng 300-400 g trứng ốc.

Theo ông Thanh, trứng này nếu để ngoài tự nhiên chỉ nở đạt khoảng 10%, nhưng mang về cho vào chỗ mát thì nở đạt 90%. 1 kg trứng ốc, ông cho nở đạt từ 12.000-18.000 con.

Trứng ốc bươu mới đẻ. Mỗi chiều mát ông Thanh sẽ lấy những buồng trứng này mang vào nhà giữ mát cho chúng. Ảnh: NHẪN NAM

Cũng từ nghiên cứu nhiều lần mà ông Thanh nhận thấy trứng ốc đẻ xong thì trong hai ngày phải mang vào chỗ mát thì tỉ lệ nở mới cao, còn để ngoài trời nắng quá hai ngày như mùa này thì hư hết.

Để giữ mát cho trứng ốc, ông Thanh để vào rổ nhựa mắt thưa, kê trên cục gạch, đặt trong thau nước. Mỗi ngày ông dùng bình phun sương xịt ẩm bốn lần, đảm bảo độ mát mà không bị ướt trứng.

Ông kể nhiều người ở khắp các tỉnh miền Tây, thậm chí cả ngoài Hà Nội đã vào xem mô hình nuôi ốc của ông và mua ốc giống của ông về nuôi. Nhiều người ở Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long… cũng học ông vừa bán ốc giống, vừa bán ốc thương phẩm.

Ốc con mới tách ra chậu nuôi thì còn bám nhau thành từng dề thế này, sau chúng mới tách ra. Ảnh: NHẪN NAM

Với ốc thương phẩm, ông nuôi bằng bèo tai tượng. Nguồn nước sạch tự nhiên, mỗi tháng ông thay nước tự động hai lần cho các ao nuôi.

Ốc giống ông nuôi hoàn toàn bằng bèo tấm để khi về ao tự nhiên nó biết kiếm ăn tự nhiên. Đồng thời, ông chỉ nuôi trong bốn tuần vì đó là thời điểm tối ưu nhất giúp người nuôi thương phẩm đạt hiệu quả cao nhất.

Theo ông Thanh, mật độ thả mới đầu là 60 con/m2, chia làm bốn đợt thả. Mỗi đợt thả cách nhau một tháng. Như vậy thì sau bốn đợt thả, đợt đầu ốc đã bắt đầu đẻ trứng rồi. Tầm khoảng tháng thứ tám trở đi bắt đầu cho thu hoạch ốc thương phẩm và có ốc con kế tiếp…

Ông Thanh cho biết vớt ốc buổi sáng là thích hợp nhất vì lúc này mát, ốc nổi nhiều. Ảnh: NHẪN NAM

Ông đưa ra khuyến cáo trên là giúp người nuôi kiểm tra thức ăn đủ-thiếu, nguồn nước sạch-dơ, dần dần hiểu được việc nuôi con ốc. Đến khi thu hoạch có khi mật độ lúc đó 300 con/m2 nhưng người nuôi vẫn xử lý được.

Theo nghiên cứu của ông Thanh, ốc nuôi cho ăn bèo thì sáu tháng mới đạt loại 25 con/kg. Nếu thức ăn của ốc bổ sung thêm rau củ quả thì nuôi trong 4,5 tháng đạt trọng lượng trên.

Còn cho ốc rau củ quả hoàn toàn thì mất ba tháng, ăn hoàn toàn bèo tấm thì mất năm tháng đạt trọng lượng trên. Và nuôi bằng bã phân chuồng cũng được nhưng người tinh ý ăn vào sẽ phát hiện có mùi.

Ốc bươu đen nhiều kích cỡ trong ao nhà ông Thanh, chỉ nuôi bằng bèo. Ảnh: NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm