Tối 3-10, tổ Đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị 2 có buổi tiếp xúc cử tri quận 1 trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Tham dự buổi tiếp xúc có Đại biểu Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; bà Trần Kim Yến, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP.HCM.
Cần xem xét lại khâu quản lý PCCC
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, cử tri Lê Duy Hanh (phường Nguyễn Thái Bình) đánh giá cao các chương trình, nội dung của kỳ họp vừa qua của Quốc hội.
Cử tri cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng cháy nổ diễn biến rất nguy hiểm, gây thiệt hại nhiều đến tính mạng và tài sản người dân. Ông cho rằng, thực tế này xảy ra do công tác quản lý về PCCC còn nhiều lỏng lẻo. Cử tri cho rằng đã đến lúc cần xem lại việc quản lý PCCC tại các thành phố lớn, việc cấp phép xây dựng, cấp phép an toàn PCCC.
“Hiện nhiều chung cư mini, khách sạn tại Việt Nam chưa đáp ứng an toàn PCCC và gây nguy hiểm tính mạng người dân khi xảy ra cháy”, ông Hanh nói và đề xuất Nhà nước chỉ đạo các ngành chức năng cần tập trung mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Đồng quan điểm, cử tri Hoàng Thị Lợi (phường Bến Nghé) cũng bày tỏ lo ngại về các vụ hỏa hoạn thời gian gần đây. Theo bà Lợi, hỏa hoạn xảy ra liên tục gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Đề nghị nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trong vấn đề phòng cháy chữa cháy.
Trả lời ý kiến của cử tri, ĐB Trần Kim Yến cho biết, về quản lý PCCC đã có quy định rất rõ. Khi có sự phản ánh, các cơ quan, Công an TP cũng có các chấn chỉnh kịp thời. “Với một số trường hợp chưa đảm bảo PCCC, không loại trừ các tiêu cực trong vấn đề quản lý PCCC. Đặc biệt là sau vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội, Thành ủy đã có chỉ đạo có quyết liệt và Công an TP đã có triển khai tại các địa bàn dân cư”, Đại biểu Trần Kim Yến thông tin.
Theo đại biểu, tại quận 1, việc rà soát, kiểm tra được thực hiện rầm rộ, nghiêm túc, cả rà soát lại các khu nhà trọ, nhà cao tầng, nhà ở riêng lẻ của người dân để chấn chỉnh. “Tất nhiên trong một thời gian ngắn thì không thể hết được nhưng việc chấn chỉnh kịp thời các tiêu cực trong bao che cho các hành vi không đảm bảo an toàn PCCC đặc biệt là các khu trọ, nhà cao tầng hiện đang chấn chỉnh từ từ”, ĐB đánh giá.
Kiến nghị sửa đổi luật Người cao tuổi
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri Hoàng Thị Lợi (phường Bến Nghé) đề xuất sửa đổi, bổ sung luật Người cao tuổi. Đồng thời, đưa vào chương trình xây dựng luật năm 2024 của Quốc hội.
Theo cử tri, mặc dù luật Người cao tuổi trước đây rất quan tâm đến người cao tuổi. Luật này đã ban hành thời gian hơn chục năm, trước đây coi người cao tuổi như những người cần chăm sóc. Tuy nhiên, hiện nay, độ tuổi theo quy định trong luật đã không còn phù hợp do tuổi thọ trung bình đã tăng cao. “Nhiều người được xem là người cao tuổi chính là một lực lượng quan trọng như làm bác sĩ, luật sư, làm từ thiện, làm kinh doanh riêng… có nhiều đóng góp cho xã hội”, cử tri nêu vấn đề.
Do đó, cử tri đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh tận dụng sự đóng góp của người cao tuổi. Đồng thời, quan tâm đến chế độ an sinh phù hợp, trong đó có trợ cấp vì mức khoảng 500 nghìn đồng không thể sinh hoạt được ở các thành phố lớn.
Trả lời ý kiến cử tri, Đại biểu Đỗ Đức Hiển cho biết tiếp thu và sẽ cố gắng chuyển tải nhiều nhất các ý kiến, nguyện vọng của cử tri đến Nghị trường Quốc hội.
Liên quan đến ý kiến về luật Người cao tuổi, đại biểu cho biết, Quốc hội đã có ghi nhận các nội dung và điều chỉnh pháp luật như có chỉnh sửa về độ tuổi nghỉ hưu được thực hiện thời gian qua.
Với đề xuất tạo điều kiện cho những người cao tuổi còn sức khỏe có thể tiếp tục đóng góp cho xã hội, ĐB Hiển đánh giá cao ý kiến và cho rằng phù hợp trong bối cảnh tuổi thọ của người cao tuổi ở nước ta đang tăng lên trong những năm gần đây. ĐB cho biết đây là ý kiến phù hợp để truyền tải đến Quốc hội xem xét.
Bức xúc trước nạn cờ bạc trực tuyến
Cử tri Lê Duy Hanh cũng nêu vấn đề về tình trạng cờ bạc theo hình thực trực tuyến diễn biến phức tạp thời gian gần đây.
Cờ bạc trên các trang website, phần mềm còn rất nhiều trên hệ thống mạng của nước ta đã gián tiếp gây ra các hệ lụy xã hội như nạn vay lãi nặng lãi, tín chấp… ảnh hưởng đến an ninh trật tự của địa phương. “Mặc dù các bộ ngành liên quan đang triệt phá nhiều đường dây nhưng vẫn còn nhiều phần mềm, website còn hoạt động. Đề nghị các bộ ngành có phương án giải quyết triệt để loại tội phạm này”, cử tri Hanh đề xuất.
Đồng quan điểm, cử tri Phan Gia Huy (cử tri Đoàn Thanh niên quận 1) cho rằng hiện trên mạng xã hội có nhiều tin tức, hình ảnh không lành mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức của thanh thiếu niên dẫn đến những hành động lệch lạc, hành xử thiếu chuẩn mực. Cử tri đề nghị có biện pháp quản lý chặt chẽ, kiểm duyệt hiệu quả đối với thông tin trên mạng xã hội.
Về vấn đề này, ĐB Trần Kim Yến bày tỏ đồng tình với ý kiến của các cử tri xoay quanh việc một số tồn tại trên mạng xã hội hiện nay dẫn đến nhiều hệ lụy. Riêng vấn đề lừa đảo, lừa đảo, cờ bạc, cho vay trên mạng diễn biến phức tạp, ĐB cho biết thực tế không phải là các cơ quan chức năng không làm mà trong quá trình thực hiện, các cơ quan phát hiện xử lý từng trường hợp một.
Thời gian qua, có nhiều vụ việc đã được phá. Đơn cử là vụ án dụ dỗ người từ TP.HCM xuống Đồng Nai xem các dự án ma vừa qua chính là nhờ sự phối hợp từ phía TP.HCM với Công an tỉnh Đồng Nai.