ĐBQH TP.HCM: 'Chỉ cán bộ có tư tưởng làm sai mới không dám làm'

(PLO)- Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến cho rằng có một bộ phận cán bộ thấy rằng việc xử lý quá nghiêm làm cho họ cảm thấy không dám thực hiện, tuy nhiên đó chỉ là đối với cán bộ có tư tưởng làm sai.

Sáng 3-10, Đoàn Đại biểu quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 2 gồm ĐB Đỗ Đức Hiển, Ủy viên thường trực Ủy ban pháp luật của QH và ĐB Trần Kim Yến, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 3, trước kỳ họp thứ 6 QH khoá XV.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận 3 đã bày tỏ quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng, sắp xếp khu phố, ấp, tổ chức chính quyền đô thị

‘Xử lý hành chính cán bộ cấp cao vì nhân văn?’

Cử tri Lâm Ngọc Mạnh, phường 12, cho rằng lãnh đạo Đảng và Nhà nước thường cảnh báo không để lợi ích nhóm len lỏi vào đời sống chính trị - xã hội vì lợi ích nhóm sẽ cấu thành tội phạm tham nhũng, tiêu cực.

can-bo-lam-sai-1.jpg
Cử tri Lâm Ngọc Mạnh, phường 12, phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: HÀ THƯ

“Vậy lợi ích nhóm là ai? Hình thành từ đâu? Phải chăng lợi ích nhóm ở đâu đây mà chúng ta chưa nhận ra được?” - cử tri Mạnh đặt vấn đề và đề nghị cần loại lợi ích nhóm ra khỏi đời sống xã hội.

Theo cử tri Mạnh, nhiều vụ án đặc biệt đã được xử lý, đưa cán bộ vi phạm vào “song sắt” nhưng thực tế vẫn chưa được xử lý triệt để, chẳng hạn như vụ Việt Á. Ông cho rằng để giải quyết dứt điểm thì cần xử lý mối quan hệ và nguyên nhân gây ra tiêu cực, giám sát chặt chẽ việc thực thi pháp luật đúng thực chất.

“Điều mà cử tri băn khoăn là các vụ án nhỏ và vừa thì giải quyết dứt điểm, còn vụ án lớn có liên quan đến nhiều cá nhân có chức vụ cao thì xử lý hành chính để nhân văn, nhân nghĩa liệu có đúng không?" - cử tri Mạnh nêu và đề nghị xử lý bình đẳng, không được “nhẹ trên nặng dưới”.

Cử tri Lâm Ngọc Mạnh cũng bày tỏ băn khoăn việc tinh gọn bộ máy sao cho hiệu quả, tránh việc một bộ, ngành quá nhiều thứ trưởng, một cơ quan quá nhiều phó phòng…

Phần lớn là do nhận thức của cán bộ

Trả lời cử tri, ĐBQH Trần Kim Yến khẳng định vừa qua Đảng và Nhà nước đã quyết liệt xử lý các vụ án tham nhũng, nhiều vụ án lớn đã được đưa vào diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo dõi, chỉ đạo để giải quyết, xử lý nghiêm...

can-bo-lam-sai-3.JPG
ĐBQH Trần Kim Yến và Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức trao đổi với cử tri bên lề buổi tiếp xúc. Ảnh: LÊ THOA

“Có ý kiến cho rằng xử lý nghiêm quá thì cán bộ có chùng tay trong thực thi trách nhiệm? Trên thực tế là có. Một bộ phận cán bộ thấy rằng việc xử lý quá nghiêm làm cho họ cảm thấy không dám thực hiện, tuy nhiên chỉ không dám đối với cán bộ nào có tư tưởng làm sai thôi” – ĐB Yến nói và cho biết theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, nếu có những việc chưa có quy định hoặc có có quy định nhưng chưa phù hợp thì báo cáo cơ quan thẩm quyền.

Còn ĐB Đỗ Đức Hiển nhìn nhận tình trạng không đúng vai, không thuộc bài, e sợ, né tránh đã được nhắc nhiều trên các diễn đàn QH. “Nguyên nhân của tình trạng này có thể do pháp luật còn có điểm vướng mắc, bất cập nhưng tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do công tác tổ chức, thi hành, nhận thức của cán bộ…” – ông Hiển nêu.

Vừa rồi Trung ương đã có chỉ đạo xây dựng đề án chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này và giao cho các cơ quan có thẩm quyền rà soát quy định pháp luật, nhận diện rõ từng lĩnh vực, xác định nơi nào xảy ra nhiều hành vi đùn đẩy, né tránh và nguyên nhân.

Vừa qua, qua rà soát sơ bộ đúng là có những vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật làm cán bộ sợ sai, chưa dám làm nhưng số lượng này không nhiều, chủ yếu ở văn bản dưới luật có tính chất thi hành.

can-bo-lam-sai-2.JPG
ĐBQH Đỗ Đức Hiển trao đổi với cử tri Lâm Ngọc Mạnh. Ảnh: LÊ THOA

“Phần lớn là do tình trạng nhận thức của một bộ phận cán bộ. Có tình trạng hiểu pháp luật chưa đúng, áp dụng không chuẩn, thậm chí có trường hợp cố ý làm sai và trường hợp này phải được xử lý” - ĐB Hiển nói và cho biết Nghị định 73/2023 đã cụ thể hoá một phần những vấn đề khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Thời gian tới những gì thuộc thẩm quyền của QH, Ban Thường vụ QH thì cần tiếp tục nghiên cứu, thể chế hoá đồng bộ, vừa xử lý nghiêm khắc nhưng có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm.

Liên quan đến việc nhận diện lợi ích nhóm, ĐBQH Đỗ Đức Hiển cho biết Uỷ ban Tư pháp của QH đã được giao chủ trì xây dựng quy định phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật. Từ đó nhận diện rõ lợi ích nhóm là gì, biểu hiện ra sao để phòng tránh.

Cần thời gian để sắp xếp cấp trưởng, cấp phó

Khi thực hiện tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết 18/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, có những nơi trong giai đoạn đầu sáp nhập sẽ có cấp trưởng, cấp phó nhiều hơn, có đơn vị 7-9 cấp phó.

Việc này cần có thời gian sắp xếp lại cho phù hợp. Hiện nay đã có quy định số lượng cán bộ ở các đơn vị, đơn vị có bao nhiêu cán bộ thì mới có hai hoặc ba cấp phó. Tuy nhiên trong quá trình sắp xếp thì không thể nhanh được.

ĐBQH TRẦN KIM YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm