Cần cán bộ biết đặt quyền lợi của người dân lên trên hết

(PLO)- Đào tạo cán bộ phải xoay quanh mục đích để công dân không phải xin mà là yêu cầu.

Ngày 29-9, Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM, Sở Nội vụ đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ của công chức, viên chức tại các sở, ban ngành TP”.

Tại hội nghị, công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ được các chuyên gia, lãnh đạo quan tâm bàn luận.

P5_bai-lethoa-binh-hung-hoa-A.jpg
TP.HCM cần những cán bộ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của dân. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Sự hài lòng của người dân là thước đo

PGS-TS Huỳnh Văn Thới, Quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TP.HCM, nhìn nhận TP đang đối diện với nhiều thách thức trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Theo đó, phải đào tạo ra những cán bộ mà công dân không phải “xin cán bộ giải quyết, giúp… em” mà phải là những cán bộ sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của dân. Từ đó, phải lấy sự hài lòng của người dân làm tiêu chí đánh giá chất lượng của cơ quan nhà nước, của cán bộ.

PGS-TS Thới cũng cho rằng nếu lấy hoạt động đào tạo làm mục đích thì chỉ cần thống kê bao nhiêu cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng, bao nhiêu cán bộ có bằng tiến sĩ, thạc sĩ. Còn nếu lấy việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm mục đích thì con đường đi đến đó không đơn giản, mà vô cùng phức tạp.

PGS-TS Thới cho rằng đào tạo phải gắn với các hoạt động khác như tuyển dụng, quản lý, thanh tra, đánh giá. “Vì nếu chúng ta không xác định các tiêu chí cụ thể mà chỉ dựa vào bằng cấp thì sẽ khuyến khích chạy đua hợp thức hóa bằng cấp” - ông Thới nói.

Trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ nên đổi mới tư duy, đặc biệt thống nhất chức vụ, quyền hạn là điều kiện để người đó làm việc chứ không phải để hưởng thụ.

Mạnh dạn thu hút người tài

Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Châu Minh Tỷ nhìn nhận thời gian qua TP đã cố gắng để có nhiều phương án tuyển dụng cán bộ, mỗi năm đều rà soát bổ sung các chức danh theo quy hoạch. Ông cho rằng công chức TP có nhiều, đào tạo, quy hoạch nghe rất bài bản, kỹ lưỡng nhưng tới lúc bố trí thì lại gặp khó. Từ đó, ông gợi ý quy hoạch phải làm từ trên xuống, đối tượng cán bộ cấp nào quản lý thì cấp đó phải làm quy hoạch và quan tâm đến việc bổ nhiệm cán bộ tại chỗ.

Đồng thời, trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ nên đổi mới tư duy, đặc biệt thống nhất chức vụ, quyền hạn là điều kiện để người đó làm việc chứ không phải để hưởng thụ.

Nguyên giám đốc Sở Nội vụ cũng đề nghị TP mạnh dạn sử dụng, thu hút người tài để cống hiến.

“Quy hoạch cán bộ là để đào tạo, để có một đội ngũ cán bộ trong 3-5 năm tới chứ không phải cứ quy hoạch là bổ nhiệm ngay!” - ông Tỷ nói.

Ông Tỷ cũng cho rằng môi trường hoạt động công vụ hiện nay có nhiều rủi ro bởi xung đột pháp luật trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Theo ông, lâu nay hay nói “trên nóng dưới lạnh” nhưng “hình như ở trên cũng lạnh” và ở dưới thì “nóng khét” rồi. “Nhiều văn bản cấp dưới xin ý kiến cấp trên nhưng cấp trên không trả lời hoặc trả lời cứ theo luật mà làm gây nhiều lúng túng, bảo thế thì họ biết đâu mà làm” - ông nói và cho biết anh em ở cơ sở, thậm chí nhiều sở, ngành làm cật lực, ngoài giờ đến mức “nóng khét”.

Ông Tỷ nhìn nhận nhiều vấn đề không phải lỗi của cán bộ mà do vướng quy định, không giải quyết được. Do đó, một số cán bộ nói thà làm chậm hoặc không làm để đối diện với hội đồng kỷ luật còn hơn làm trái để đối diện với hội đồng xét xử.

Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Hồ Nam nhìn nhận làm sao để cán bộ không muốn, không dám và không thể vi phạm?

Theo ông, đầu tiên là phải có cơ chế, chính sách; công chức phải được bảo vệ để sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Ông Nam cho rằng ranh giới của việc này là quá mong manh. “Một chủ trương, chính sách nếu làm trái là vi phạm rồi, vì hành vi đó theo Bộ luật Hình sự là tội phạm” - ông Nam nêu ý kiến.

Ông cũng đề nghị trong đánh giá cán bộ phải nhìn vào công việc, phải công tâm chứ không nên nhìn vào quan hệ. Đồng thời phải kiểm soát quyền lực của cán bộ trong thực thi công vụ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

TP.HCM cần nguồn nhân lực đủ phẩm chất và năng lực

Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân nhìn nhận dù TP đã có nhiều giải pháp, chỉ đạo quyết liệt nhưng trong hoạt động công vụ vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Trong đó, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) chưa thực sự chuyển biến rõ nét; vẫn còn tình trạng thực hiện chưa nghiêm quy tắc ứng xử, bị người dân, báo chí phản ánh. Tỉ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với thái độ phục vụ và chất lượng giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính có tăng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của TP.

Ông Nhân nhìn nhận cải cách hành chính nói chung, cải cách chế độ công vụ, công chức nói riêng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận từ người dân và doanh nghiệp.

Trên hành trình đó, để đạt được kết quả tốt nhất, TP cần tập trung mọi nguồn lực sẵn có của mình, từ tài chính, nhân lực... “Trong đó, quan trọng nhất chính là nguồn nhân lực đủ phẩm chất và năng lực, có ý chí cầu tiến, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm cao” - ông Nhân khẳng định.

*****

Đào tạo cán bộ xứng tầm với cơ chế đặc thù

Để đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của xã hội và ứng dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với thực tiễn xây dựng và hoàn thiện chính quyền đô thị tại TP.HCM thì công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đang đặt ra những yêu cầu và thách thức lớn.

PGS-TS Nguyễn Văn Y tại một hội thảo khoa học. Ảnh: TIÊN NGÔ

PGS-TS Nguyễn Văn Y tại một hội thảo khoa học. Ảnh: TIÊN NGÔ

Việc này nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng một đội ngũ cán bộ xứng tầm, đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn đang là một bài toán lớn trong quá trình cải cách chế độ công vụ, nhất là trong bối cảnh TP.HCM đang thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội.

Để thực hiện tốt yêu cầu nhiệm vụ đó, cần phải có sự đột phá mạnh mẽ trong tư duy và tầm nhìn, sự phối hợp chặt chẽ, quan tâm sâu sát của các cấp, các ngành nhằm đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là cơ sở quan trọng.

TP cần đánh giá đúng công tác cải cách chế độ công vụ hiện nay, nhất là xác định yêu cầu công việc của cán bộ, công chức trong quá trình triển khai chính quyền đô thị để từ đó xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh phù hợp với tình hình mới.

TP.HCM cũng cần xây dựng và hoàn thiện khung chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức dựa trên tiêu chuẩn chức danh đã được xác định, tập trung vào các kiến thức, kỹ năng cụ thể, phù hợp với quá trình điều hành, quản lý trong chính quyền đô thị mang tính chất đặc thù. Đồng thời gắn chặt các yêu cầu đánh giá kết quả trong và sau quá trình đào tạo với mục tiêu cải cách chế độ công vụ tại TP, nhằm tạo ra cơ chế đào tạo, bồi dưỡng thực chất, bài bản, có chiều sâu và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Song song đó, thực hiện phối hợp giữa cơ sở đào tạo với đơn vị quản lý và đơn vị sử dụng nhân sự để hình thành hệ sinh thái trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức TP. Bởi việc này cũng làm cơ sở cho công tác đánh giá, bố trí, sử dụng, đề bạt nhân sự, tạo sự chuyển biến mạnh trong cải cách chế độ công vụ.

TP cũng cần xây dựng chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng cụ thể theo đặc thù phát triển của TP.HCM trên cơ sở phối hợp giữa Sở Nội vụ, Học viện Cán bộ TP và các cơ sở đào tạo chuyên ngành nhằm tạo ra sự đột phá trong công tác này.

Muốn một đô thị đặc biệt như TP.HCM phát triển bền vững, triển khai tốt cơ chế đặc thù thì đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ, công chức có tâm, có tầm trong thi hành công vụ. Những kết quả đáng trân trọng về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mà TP đã đạt được trong thời gian qua cũng sẽ là cơ sở để TP tiếp tục phát huy trong thời gian tới...

PGS-TS NGUYỄN VĂN Y, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm