Ngày 18-7, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Tại phần làm thủ tục, HĐXX cho biết sẽ xét hỏi, thẩm tra đối với từng nhóm tội danh, nhóm hành vi. Khi đến lịch thẩm tra, xét hỏi đối với nhóm các bị cáo nào thì sẽ được trích xuất, dẫn giải đến tòa để thẩm vấn trực tiếp, các bị cáo thuộc nhóm còn lại sẽ được theo dõi phiên xử qua đường truyền tại Trại giam T30 - Công an TP.HCM.
Bên cạnh đó, HĐXX cũng lưu ý đối với các bị cáo tại ngoại phải có mặt tại tòa trong thời gian diễn ra phiên xét xử. Trường hợp các bị cáo này vắng mặt không lí do, các bị cáo có thể bị HĐXX thay đổi biện pháp ngăn chặn để đảm bảo cho việc xét xử.
Theo thư ký báo cáo, có 3/254 bị cáo có đơn xin xét xử vắng mặt vì lí do sức khỏe. Gồm các bị cáo Trần Văn Thương (Giám đốc Công ty Lâm Hà Trúc - góp vốn tại Trung tâm Đăng kiểm 50-15D), Nguyễn Phương Nam (Đăng kiểm viên - Phòng kiểm định xe cơ giới thuộc Cục đăng kiểm) và Nguyễn Thị Ngọc Bích (lao động tự do).
Trước thông tin này, VKS cho rằng, 3 bị cáo đang điều trị bệnh có xác nhận của bệnh viện nên việc vắng mặt này là có lý do chính đáng. Tại cơ quan điều tra, các bị cáo đã có lời khai rõ ràng và các bị cáo có luật sư bảo vệ nên việc vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Vì vậy, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận đơn xin xét xử vắng mặt của 3 bị cáo này.
Đối với sự vắng mặt của một số luật sư, VKS cho rằng, do phiên xét xử kéo dài nên việc vắng mặt của các luật sư trong những ngày đầu không ảnh hưởng đến quyền lợi của các bị cáo.
Sau khi nghe ý kiến của đại diện VKS, HĐXX tiếp tục phiên tòa với phần thẩm tra lý lịch của các bị cáo trong vụ án.
Trong đại án đăng kiểm, 254 bị cáo bị xét xử về 11 tội danh, gồm: Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ; giả mạo trong công tác; sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tham ô tài sản.
Trong số 254 bị cáo, hai bị cáo là cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam Đặng Việt Hà và Trần Kỳ Hình cùng 101 đồng phạm bị xét xử về tội nhận hối lộ theo Khoản 4 Điều 354 BLHS có khung hình phạt lên đến tử hình.
Có 133 bị cáo đang bị tạm giam, 120 bị cáo tại ngoại và 1 bị cáo đang bị truy nã được đưa ra xét xử vắng mặt.
Theo cáo trạng của VKS tối cao, đại án đăng kiểm là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn, mang tính hệ thống và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo là lãnh đạo Cục đăng kiểm Việt Nam (Trần Kỳ Hình, Trần Việt Hà); lãnh đạo các Phòng, Trung tâm, Chi cục đăng kiểm trực thuộc vì vụ lợi, động cơ cá nhân đã thống nhất chỉ đạo các đăng kiểm viên cấp dưới nhận tiền từ các chủ phương tiện để bỏ qua lỗi, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật...
Đối với 3 bị có đơn xin xét xử vắng mặt, bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Bích bị đưa ra xét xử về tội đưa hối lộ và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Bích đã sử dụng 268 hồ sơ giả để đi nghiệm thu, và đưa hối lộ cho Nguyễn Trọng Vĩnh (Giám đốc trung tâm đăng kiểm 50-15D) 268 triệu đồng.
Bị cáo Trần Văn Thương bị đưa ra xét xử về tội đưa hối lộ. Theo cáo buộc, Thương đã cùng Nguyễn Trọng Vĩnh đưa hối lộ cho Trần Kỳ Hình 2.000 USD để được kiểm chuẩn lần đầu tại trung tâm đăng kiểm 50-15D. Ngoài ra, quá trình hoạt động Thương không điều hành công ty mà giao mọi hoạt động cho Vĩnh, mỗi tháng Thương được Vĩnh đưa số tiền 10 triệu đồng, tổng cộng 180 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Phương Nam bị đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ. Theo cáo buộc, từ 1-3-2019 đến 30-9-2022, Nam thẩm định đạt 2315 hồ sơ thiết kế cải tạo nhận hối lộ hơn 4,6 tỉ đồng của 16 công ty, hưởng lợi hơn 1,6 tỉ đồng.