4 giờ 38 phút sáng 9-12, vùng biển gần quần đảo Solomon ở phía tây nam Thái Bình Dương hứng một trận động đất kép với cường độ rất mạnh 7,8 độ Richter, theo AP.
Lúc đầu Cơ quan Khảo sát Động đất Mỹ (USGS) đo cường độ mạnh tới 8 độ Richter nhưng sau đó điều chỉnh giảm còn 7,8 độ Richter. Tiếp sau trận động đất mạnh này là một trận động đất mạnh 5,5 độ Richter và sau đó là hàng loạt dư chấn.
Ngay sau trận động đất, Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương đã phát đi cảnh báo quan sát sóng thần cho nhiều đảo quốc dọc nam Thái Bình Dương trong đó có bang Hawaii của Mỹ.
Trung tâm này nhận thấy đã có hiện tượng sóng cao bất thường ở ít nhất ba khu vực đặt phao quan sát. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu kỹ, trung tâm xác định không có nguy hiểm sóng thần và đã dỡ bỏ cảnh báo sáng sớm 9-12.
“Với trận động đất cường độ mạnh thế này, chuyện xảy ra sóng thần hoàn toàn có khả năng. Tôi luôn muốn cảnh báo mọi người về khả năng này” - nhà địa vật lý Don Blakeman tại USGS nói với Hawaii News Now.
Tâm chấn động đất gần quần đảo Solomon ở nam Thái Bình Dương. Ảnh: AP
Mạnh 7,8 độ Richter, trận động đất này có cường độ tương đương trận động đất từng được đánh giá mạnh nhất Trái đất năm 2016 xảy ra ở Ecuador ngày 16-4 làm hơn 650 người chết.
Quần đảo Solomon được xác định nằm trong khu vực “Vòng tròn lửa” của Thái Bình Dương. Năm 2007, vùng biển gần quần đảo Solomon cũng xảy ra một trận động đất mạnh 8 độ Richter, kích thích sóng thần cao hơn 30 m.
Động đất sáng 9-12 đã làm thủ đô Honiara và một số đảo thuộc quần đảo Solomon - các khu vực gần tâm chấn nhất bị rung lắc mạnh. Giám đốc Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Solomon Loti Yates cho biết ông có nhận thông tin có nhiều nhà sập ở đảo Malaita - nằm gần tâm chấn.
“Phần lớn nhà cửa đều xây bằng vật liệu thô, truyền thông, dễ sập” - ông Yates nói với Reuters. Ông cho biết nhiều người dân đã chạy sơ tán lên các vùng đất cao. Chưa có báo cáo thương vong. Một trực thăng được triển khai khảo sát thiệt hại ở Malaita, nơi có số dân chiếm 1/4 dân số Quần đảo Solomon - khoảng 600.000 người.