Chiều 11-3, Liên bộ Công Thương - Tài chính thực hiện điều hành giá xăng, dầu theo chu kỳ.
Tại kỳ điều hành này, Liên bộ quyết định tiếp tục tăng giá hàng loạt các mặt hàng xăng, dầu. Theo đó, xăng E5 tăng thêm 2.908 đồng/lít so với kỳ điều hành trước, đẩy giá lên 28.985 đồng/lít; xăng A95 tăng thêm 2.990 đồng/lít, lên mức 29.824 đồng/lít.
Dầu diesel tăng 3.958 đồng/lít, lên 25.268 đồng/lít; dầu hỏa tăng 3.940 đồng/lít lên 23.918 đồng/lít.
Người dân Hà Nội đổ xô đi mua xăng trước thời điểm tăng giá. Ảnh: PHI HÙNG
Kỳ điều hành này không thực hiện trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu, nhưng chi sử dụng quỹ bình ổn với xăng E5 ở mức 750 đồng/lít; xăng A95 1.000 đồng/lít, dầu diesel 1.500 đồng/lít.
Lý do khiến giá xăng, dầu trong nước tăng như vậy là bởi giá dầu thế giới đang tăng quá cao, đặc biệt là ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1-3 và kỳ điều hành ngày 11-3 là 132,251 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5, tương đương tăng 18,77% so với kỳ trước.
Xăng RON95 lên mức 135,750 USD/thùng, tăng 18,86% so với kỳ trước. Dầu hỏa lên 135,249 USD/thùng, tăng 24,73% so với kỳ trước. Dầu diesel tăng lên 145,191 USD/thùng, tương đương tăng 28,87% so với kỳ trước.
Xăng E5 tăng thêm 2.908 đồng/lít, lên 28.985 đồng/lít; xăng A95 tăng thêm 2.990 đồng/lít, lên mức 29.824 đồng/lít. Ảnh: Phi Hùng
Giá xăng, dầu trong nước tăng cao sẽ gây tác động mạnh tới nền kinh tế trong nước, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam.
Để kìm đà tăng của giá xăng, dầu, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Ban đầu, cơ quan này đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 4.000 đồng/lít xuống còn 3.000 đồng/lít. Các loại dầu khác giảm mức 500 đồng/lít.
Tuy nhiên sau đó, một số cơ quan như Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi công văn phúc đáp đề xuất giảm mức thuế mạnh hơn.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý, đến nay Bộ Tài chính đã đề xuất phương án giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu nhiều hơn so với dự tính ban đầu. Cụ thể là mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít, giảm 2.000 đồng so với mức hiện hành; dầu diesel, dầu madut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-4 đến hết ngày 31-12-2022.
Với việc điều chỉnh giảm mức thuế như trên thì dự kiến số thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn (tính trên cơ sở sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2019) sẽ giảm cả năm khoảng 29.035 tỉ. Điều này cũng làm giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng) cả năm khoảng 31.938 tỉ.
Giá xăng liên tục tăng cao. Ảnh: Phi Hùng
Trong một diễn biến khác cũng liên quan đến điều hành xăng, dầu. Mới đây Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu vụ chuyên môn nghiên cứu, tham mưu, đề xuất sửa đổi một số nghị định, trong đó có Nghị định 83, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu với mục đích để nâng cao hiệu quả công tác quản lý trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Hiện chưa rõ hướng sửa đổi thế nào, nhưng từ phía doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã có những đề xuất như: Rút ngắn thời hạn điều hành; tách biệt xăng, dầu theo hướng tiếp tục coi dầu là tư liệu sản xuất quan trọng, cần điều tiết, quản lý, bình ổn giá để hạn chế tác động tới nền kinh tế còn xăng thì coi là hàng hóa thông thường, thả lỏng cho vận hành cơ chế thị trường, sát với biến động giá trên thị trường thế giới...
Thời gian gần đây, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn trong tình trạng lỗ nặng do giá dầu thế giới tăng liên tục trong khi việc điều hành giá theo quy định hiện hành không đồng nhịp. Khó khăn kéo dài đã dẫn tới hiện tượng khá nhiều cây xăng, nhất là ở một số tỉnh, thành phía Nam dừng bán hàng, bất chấp khả năng bị chế tài thu hồi giấy phép kinh doanh ngành hàng này.