Trong tuần qua những dòng thông tin về việc nhiều nhân viên y tế, giáo viên xin nghỉ việc ở một số tỉnh, thành đã nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Bác sĩ đang khám bệnh tại BV quận Phú Nhuận. Ảnh: NGUYỄN HIỀN |
Lương nhân viên y tế, giáo viên quá thấp
Chị NTN, làm điều dưỡng ở một bệnh viện (BV) tại TP.HCM, chia sẻ: Chị làm điều dưỡng tại BV đã hơn năm năm. Mức lương hiện tại chị nhận hằng tháng trung bình khoảng 6 triệu đồng, bao gồm cả lương căn bản và tiền phụ cấp trực đêm.
“Tôi làm ở một BV công. Công việc tại BV hầu như rất ít thời gian được nghỉ ngơi. Tôi ở nhà thuê, chi phí hằng tháng rất chật vật. Để có thêm thu nhập, sau giờ làm tôi phải chạy hàng chục kilômét đến chăm sóc người bệnh tại nhà. Tôi rất mong mức lương được nâng lên để không phải hằng tháng vẫn mang gánh nặng cơm áo gạo tiền, yên tâm phục vụ và cống hiến” - chị N chia sẻ.
Là giáo viên tại một trường tiểu học ở tỉnh Long An, anh TNH cho biết: “Tôi giảng dạy tại trường được hơn ba năm nay. Mức lương hằng tháng tôi nhận cũng chỉ hơn 5 triệu đồng. Với mức lương này cũng chỉ đủ tôi chi tiêu, có tháng đám tiệc nhiều tôi còn phải mượn thêm gia đình. Đi làm hơn ba năm tôi chẳng dư được đồng nào thế nên tôi chưa dám nghĩ đến chuyện vợ con. Nghĩ đến lương giáo viên tôi lại buồn, bởi bao năm học hành, ra trường đi làm lương lại thấp hơn những người bạn của mình đang làm công nhân tại các khu công nghiệp”.
“Tôi rất mong mức lương được nâng lên để không phải hằng tháng vẫn mang gánh nặng cơm áo gạo tiền, yên tâm phục vụ và cống hiến.”
Điều dưỡng NTN
Cần điều chỉnh chính sách tiền lương
Nhiều bạn đọc cho rằng lương hằng tháng của nhân viên y tế và giáo viên vẫn còn thấp so với mức sống trung bình hiện nay. Vì thế, để giữ chân hai lực lượng này thì cần phải có những chính sách hợp lý hơn.
“Hiện nay, bậc 1 của công chức có trình độ đại học còn thấp hơn lương tối thiểu vùng dành cho công nhân. Một số người phải tìm cách làm thêm để mưu sinh. Cần phải xem lại mức lương và nên có cách tính phụ cấp hợp lý hơn mới mong giữ chân công chức, viên chức nói chung, trong đó có lực lượng ngành y tế, giáo viên” - bạn đọc Thu Trang.
Bạn đọc Trung Thanh góp thêm: “Tôi thấy các lãnh đạo cũng đã có lắng nghe, chia sẻ với nhân viên y tế. Khó, khổ của họ thì lãnh đạo cũng biết hết rồi. Theo tôi, để giữ chân nhân viên y tế cần có giải pháp lâu dài, chẳng hạn như nâng hệ số lương khởi điểm lên, nâng mức phụ cấp, có chính sách thâm niên nghề, thu hút nhân sự cho ngành đặc thù”.
“Thực tế khi vào học ngành y, ngành giáo dục, chấp nhận những khó khăn khác trong nghề thì người ta đã xác định đương đầu. Riêng khó khăn về tiền bạc sẽ gây hệ lụy đến gia đình, con cháu của họ. Đến một lúc nào đó trụ không nổi vì gánh nặng cơm áo gạo tiền họ đành chọn cách ra đi. Chúng tôi ai cũng hiểu được tầm quan trọng của hai ngành này đối với sự phát triển xã hội như thế nào. Vì thế, tăng lương để giữ chân nhân viên y tế, giáo viên là một điều cần thiết và cấp bách” - bạn đọc Trần Hùng mong mỏi.•
Nhiều địa phương nhân viên y tế, giáo viên nghỉ việc
• Báo cáo mới đây của công đoàn y tế cho thấy tính từ năm 2021 và sáu tháng năm 2022, có gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc.
• Tại Đà Nẵng, năm 2021, có 195 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Sáu tháng đầu năm 2022, tiếp tục có 127 nhân viên y tế xin nghỉ việc.
• Tại tỉnh Bình Dương, hiện tại cả hai ngành y tế và giáo dục đều đang trong tình trạng thiếu nhân lực. Cụ thể, theo thống kê của tỉnh này thì tháng 1-2021 đến tháng 4-2022, toàn ngành giáo dục có 527 giáo viên nghỉ việc. Đối với ngành y tế, tính đến tháng 6-2022 có đến 166 cán bộ y tế nghỉ việc, bỏ việc, trong đó có 35 bác sĩ.
• Từ đầu tháng 1-2021 đến cuối tháng 6-2022, toàn ngành y tế tỉnh Đắk Lắk có đến 100 viên chức y tế xin thôi việc, trong đó có 62 bác sĩ. Số lượng bác sĩ thôi việc, đa số là các bác sĩ có trình độ sau đại học, làm việc tại các BV tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế tuyến huyện là những nhân lực y tế chất lượng, có nhiều kinh nghiệm công tác. Nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều viên chức xin thôi việc, bỏ việc vì chính sách về tiền lương, chế độ phụ cấp chưa tương xứng với khối lượng, môi trường, điều kiện làm việc.