Giảm kẹt xe: Bứng cao ốc ra vùng ven

Các quy hoạch giao thông, quy hoạch kinh tế-xã hội, quy hoạch đô thị được phê duyệt riêng lẻ, đồng thời tồn tại nhưng lại không liên kết với nhau dẫn đến tình trạng quy hoạch đô thị cứ cho cấp phép, dựa trên cơ sở hạ tầng quy hoạch giao thông chưa được thực hiện.

Đường hẹp mà xây cao ốc sẽ gây kẹt xe

Nhiều tuyến đường hiện nay rất hẹp, đúng ra không được xây cao ốc nhưng cơ quan quản lý lại dựa trên quy hoạch tương lai là tuyến đường này sẽ được mở rộng nên họ vẫn cấp phép dù hiện tại đường này vẫn chưa mở. Điều này đi trái với nguyên tắc quản lý đô thị: Xây dựng công trình đi trước, hạ tầng đi sau, trong khi đúng ra hạ tầng phải đi trước.

Chưa kể, trước đây Bộ Xây dựng có quy chế trong việc cấp phép xây dựng nhà cao tầng là diện tích càng lớn chừng nào thì nhà càng được xây cao lên từng đó. Do vậy các sở, ngành cứ theo đó mà cấp phép. Quy chế này không còn phù hợp nữa vì nếu chiều cao công trình chỉ phụ thuộc kích thước khu đất thì nhà cao tầng sẽ mọc lên rất hỗn độn. Ở nước ngoài, chiều cao công trình phải tuân theo quy hoạch chiều cao nên dù đất có thể rộng hàng hecta, công trình vẫn có thể bị khống chế thấp tầng nếu cần thiết.

Như vậy, nếu muốn chấn chỉnh tình trạng này cũng như giảm kẹt xe ở trung tâm TP thì nên tạm ngưng cấp phép xây dựng cao ốc trên những tuyến đường mà hạ tầng giao thông không kham nổi cho đến khi khu vực có giải pháp giao thông đảm bảo được lượng lưu thông và đã được nâng cấp hạ tầng đủ cho việc tăng tải mật độ dân số.

Nếu hạ tầng chưa làm kịp do TP thiếu ngân sách và nhà đầu tư muốn nhanh chóng xây lên thì nhà đầu tư có thể ứng vốn ra làm đường cho đủ tiêu chí để làm nhà cao tầng, rồi Nhà nước sẽ trả lại cho họ qua hình thức giảm hoặc miễn thuế… Chứ không thể cấp phép tràn lan rồi cơ quan nhà nước phải đứng ra giải quyết chuyện kẹt xe, hạ tầng không đáp ứng. Hay thậm chí những đường hẻm nhỏ mà xe cứu hỏa không vào được thì càng không nên xây dựng cao ốc, nhỡ có cháy thì nguy hiểm.

Kẹt xe đã xuất hiện trên đường Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) vốn thông thoáng lâu nay. Ảnh: MQ

Giảm tải cho khu trung tâm

Ngoài ra, đối với những dự án quy hoạch lớn hoặc cụm nhà cao tầng thì chính quyền nên giao một cơ quan độc lập (không nhận kinh phí từ nhà đầu tư) đánh giá tác động giao thông, chẳng hạn khi xây dựng công trình thì làm cho lượng xe sẽ tăng lên bao nhiêu, chỗ để xe bao nhiêu mới đủ, để nhà đầu tư phải cam kết trích lợi nhuận đóng góp kinh phí giải quyết theo quy định trước khi được cấp phép xây dựng.

Vì vậy để giải quyết tình trạng kẹt xe, đầu tiên phải giảm tải cho khu trung tâm TP, tức là đưa người dân ra ngoài trung tâm nhằm tạo không gian xây dựng mạng lưới giao thông công cộng.

Với giải pháp này, chúng ta nên khuyến khích phát triển khu ngoại vi, xây dựng cao ốc ở khu ngoại vi. Khi phát triển khu ngoại vi thì nên khuyến khích người dân sinh sống và làm việc ở đó; giúp họ xây nhà giá rẻ. Không chỉ xây nhà ở và nơi làm việc mà còn phải xây dựng cả siêu thị, trung tâm dịch vụ, thương mại, bệnh viện, trường học tốt. Bởi lâu nay khi xây dựng khu ngoại vi chỉ lo xây nhà chứ không xây dựng hạ tầng, thành ra người dân có thể mua nhà nhưng vẫn chạy vô trung tâm để làm việc, sinh hoạt. Ngoài ra, Nhà nước nên có chính sách giảm thuế, ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp ra đó.

Khi thu hút được người dân ra vùng ngoại vi thì trung tâm TP sẽ thông thoáng. Do vậy có thể đưa ngay giao thông công cộng vào, giao thông công cộng tốt rồi thì hãy nghĩ đến chuyện cấm xe cá nhân. Còn hiện nay những biện pháp của TP nên tránh giải pháp đối phó tình thế, mà phải hướng đến hiệu quả chuẩn bị cho giao thông công cộng; chẳng hạn làm đường một chiều có thể đạt hiệu quả vì khi làm đường một chiều xong giao thông thông thoáng, lập tức đưa giao thông công cộng vào; nếu không kết hợp như vậy thì ít bữa xe sẽ lại đông lên như cũ.

Sau khi giải quyết được vấn nạn ách tắc giao thông trước mắt, đường thông thoáng. Bước hai, khi đã bước đầu xây dựng mạng lưới giao thông công cộng xong, lúc đó nhà cao tầng có thể tiếp tục được xây dựng vì hạ tầng có thể đảm bảo giao thông và thậm chí lúc đó nhà cao tầng sẽ giúp giao thông công cộng đạt hiệu quả cao.

Tóm lại, để giải quyết vấn đề giao thông là phải gắn với các vấn đề quy hoạch, kinh tế, tài chính..., phải có giải pháp theo tư duy đa ngành, tư duy chiến lược, có kế hoạch đáp ứng nhu cầu người dân trong nền kinh tế thị trường.

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN:

Giải quyết kẹt xe phải nghiên cứu nguyên nhân

Lâu nay TP.HCM đã đưa ra nhiều biện pháp giải quyết tình trạng kẹt xe, trong đó có việc di dời bến xe, bệnh viện ra vùng ven; tổ chức phân luồng giao thông mà mới đây là dự kiến tổ chức nhiều tuyến đường một chiều như Trường Chinh, Cộng Hòa… Tuy nhiên, hầu như các biện pháp này chỉ có thể làm giảm một phần nhỏ tình trạng kẹt xe tại khu vực đó chứ không giải quyết được căn cơ tình trạng này cho toàn TP… Vì TP chưa thay đổi được những nguyên nhân cơ bản tạo ra vấn nạn kẹt xe như: tỉ lệ diện tích dành cho giao thông còn rất thấp, dân số và mật độ quá cao làm kéo theo số lượng phương tiện giao thông rất lớn.

Giải quyết tình trạng kẹt xe là bài toán lâu dài và rất khó khăn, phức tạp nên người lãnh đạo cần nghiên cứu kỹ nguyên nhân đa chiều của nó. Từ đó, nên có sự liên kết giữa nhiều cơ quan chức năng và phản biện xã hội chứ không nên để xảy ra tình trạng cơ quan phát triển đô thị chỉ chăm chăm đầu tư cao ốc ở vùng lõi - càng nén dân số với mật độ cao hơn, cơ quan giao thông vận tải chỉ đòi giảm lượng xe cá nhân - trong khi số lượng lao động nhập cư tràn vào TP…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm