Chiều 31-8, Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) chính thức khởi công cùng lúc ba công trình gồm nhà ga và đường băng tại hai sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành. ACV, chủ đầu tư dự án cho biết tổng vốn đầu tư của ba công trình hơn 53.000 tỉ đồng, gồm:
Công trình nhà ga hành khách (gói thầu 5.10) sân bay Long Thành có giá trị hơn 35.000 tỉ đồng, thời gian thi công 39 tháng. Đây là gói thầu có giá trị lớn và có tính chất phức tạp nhất hiện nay.
Nhà ga công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến sau khi hoàn thành tất cả các giai đoạn, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm.
Nhà ga lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính và được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái. Phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục, được bố trí theo dạng tập trung gồm khu vực trung tâm và ba cánh.
Nhà ga sân bay Long Thành thiết kế 25 triệu khách giai đoạn 1. Ảnh: ACV |
Nhà ga được thiết kế với hai cao trình đi và đến tách biệt, gồm 1 tầng trệt và 3 tầng lầu, với 40 vị trí đỗ gần cho các máy bay Code C, E, F.
Lãnh đạo ACV đánh giá, công trình được thiết kế và áp dụng các công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực hàng không. Theo đó, chủng loại vật liệu theo xu hướng áp dụng cho các nhà ga hàng không hiện đại trên thế giới, đảm bảo độ bền và tính thẩm mỹ và đặc tính của nhà ga hàng không.
Do vậy, việc lựa chọn đơn vị thi công có năng lực kinh nghiệm đã từng thi công các công trình sân bay lớn trên thế giới là vô cùng quan trọng, được chủ đầu tư đặt lên hàng đầu.
Phía ACV cam kết tập trung mọi nhân sự có chuyên môn cao, mọi nguồn lực để khẩn trương đánh giá hồ sơ dự thầu của các nhà thầu liên danh gồm các công ty có nhiều kinh nghiệm về thi công cũng như nguồn lực cao về tài chính, mạnh về kỹ thuật trên thế giới và trong nước.
Lãnh đạo ACV nhìn nhận liên danh VIETUR gồm 10 công ty hàng đầu trong và ngoài nước, có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện thi công nhà ga hành khách, hạng mục đóng vai trò đường găng quan trọng trong tất cả các hạng mục của dự án.
Công trình thuộc gói thầu số 4.6 sân bay Long Thành gồm: các hạng mục sân đường khu bay với đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000m, chiều rộng 45m. Hệ thống hai đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối. Bên cạnh đó là hệ thống đường công vụ khu bay, đèn hiệu sân bay, chiếu sáng sân đỗ máy bay…
Gói thầu này có tổng vốn đầu tư hơn 7.300 tỉ đồng, với thời gian thi công khoảng 700 ngày. Đây là gói thầu lớn thứ 2 thuộc dự án thành phần 3 của đại công trình sân bay Long Thành đến thời điểm hiện tại.
Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất (gói thầu số 12), có công suất thiết kế 20 triệu khách/năm, có trị giá gần 11.000 tỉ đồng. Hiện Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đang khai thác một nhà ga quốc tế và một nhà ga quốc nội.
Trong đó, ga quốc nội sau nhiều lần cải tạo, mở rộng có công suất thiết kế là 15 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, sản lượng khách quốc nội hiện đang khai thác hơn 26 triệu lượt/năm, quá tải hơn 1,7 lần so với công suất thiết kế.
Nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất thiết kế 20 triệu khách/năm. Ảnh: ACV |
Bởi vậy, tình trạng ùn tắc trong nhà ga và hệ thống đường giao thông kết nối thường xuyên xảy ra. Điều này gây bức xúc cho hành khách và người dân, ảnh hưởng không đến sự phát triển kinh tế xã hội, du lịch của TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Việc khởi công nhà ga T3 là dấu mốc quan trọng trong việc nâng cao hạ tầng hàng không của đất nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và du lịch.
Với số lượng khách ngày càng gia tăng, việc xây dựng một nhà ga mới là điều cần thiết để giải quyết ách tắc giao thông và cung ứng dịch vụ hàng không an ninh an toàn cho du khách.
Bên cạnh đó, nhà ga sân bay Long Thành là một dự án quan trọng trong chiến lược phát triển hàng không của Việt Nam. Sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những cửa ngõ hàng không quốc tế hiện đại và có công suất lớn ở Đông Nam Á.
Đồng thời, sân bay Long Thành sẽ giúp giảm áp lực giao thông hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng của khu vực.