Nhiều đơn vị hứa thưởng U-23 nhưng... chưa thấy
Tại cuộc họp báo, báo chí đã đặt câu hỏi Bộ VHTTDL đã có động thái xử lý thế nào đối với hành vi đón tiếp đội tuyển U-23 Việt Nam bằng đội người mẫu ăn mặc phản cảm, gây bức xúc dư luận… Trả lời câu hỏi này, bà Trịnh Thị Thủy , Thứ trưởng Bộ VHTTDL, cho biết người phát ngôn của Bộ đã có công bố chính thức.
“Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã trực tiếp làm việc với phía VietJet. Chúng tôi đã đề nghị Cục Hàng không xử lý theo quy định. Liên quan đến hành vi văn hoá phản cảm của VietJet trên máy bay, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật”
Báo chí cũng đặt câu hỏi đối với việc nhiều đơn vị, DN hứa thưởng cho đội tuyển U23 sau khi họ đoạt Á quân tại giải Vô địch bóng đá U23 Châu Á nhưng giờ tiền chưa đến. Bà Thủy cho hay việc hứa tưởng, chi thưởng do các DN và phụ thuộc vào điều kiện của từng DN. “Chúng ta cũng không nên sốt ruột vì đội tuyển U23 vừa mới trở về nước. Chúng tôi sẽ theo dõi có thông tin chính thức về tiền thưởng cho đội tuyển U23”.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
Làm rõ thêm nội dung này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay thắng lợi của đội tuyển được quốc tế đánh giá cao. Tại cuộc gặp của Thủ tướng với đội tuyển U23, theo báo cáo sơ bộ của Bộ VHTTDL tiền thưởng của các cá nhân, tổ chức cho đội tuyển là khoảng 40 tỷ.
“Đây là những phần thưởng các tổ chức, các nhân đã công bố. Đã nói phải làm. Đề nghị Bộ VHTTDL theo dõi, nhắc nhở các tổ chức, cá nhân thực hiện lời hứa. Chúng tôi tin họ sẽ thực hiện” - ông Dũng nói.
Cải thiện điều kiện kinh doanh là nhiệm vụ hàng đầu
Cũng tại cuộc họp báo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho hay: "Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu năm 2018, Thủ tướng đã nhấn mạnh phải coi xây dựng thể chế, cải cách hành chính, cải thiện điều kiện kinh doanh là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2018. Trong đó phải cải thiện thủ tục, cắt giảm triệt để các điều kiện kinh doanh không cần thiết để giảm các chi phí không chính thức, giảm rào cản, giảm giấy phép con cho DN."
Ngay tại phiên họp Chính phủ vào sáng nay, Thủ tướng cũng đã ký Nghị định mới về điều kiện kinh doanh an toàn thực phẩm. Trong đó DN sẽ được giảm tới 90% sản phẩm phải công bố, thời gian để làm thủ tục công bố cũng giảm từ 15 ngày xuống 7 ngày. Nghị định cũng giải quyết được sự chồng chéo giữa các bộ, ngành liên quan. Ví dụ trước đây sản phẩm kẹo socola có đến 13 bộ, ngành cấp phép thì giờ không còn vì DN có quyền lựa chọ bộ nào đó để đăng ký mặt hàng.
Theo Nghị định mới, hàng thông quan tại cửa khẩu chỉ áp dụng hậu kiểm, quản lý rủi ro theo kiểm tra xác xuất chứ DN không phải làm thủ tục về các bộ liên quan nữa, hàng hóa được được thông quan luôn. “Theo tính toán thì việc này cắt giảm được khoảng 2,8 triệu ngày công, tương đương 2500 tỷ. Nghị định được cộng đồng DN đánh giá rất cao” - ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng cũng cho hay tại cuộc họp, Thủ tướng đã nhắc lại bài học kinh nghiệm cũng như thành công của Đội tuyển U23 Việt Nam là ý chí kiên cường, quyết tâm cao và tính kỷ luật, tinh thần đồng đội và cho rằng, điều này không chỉ cho bóng đá mà cho cả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, mỗi bộ, ngành, địa phương.
Theo báo cáo của Chính phủ, tiếp đà của năm 2017, với sự chỉ đạo chủ động thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, tình hình KT-XH có chuyển biến tích cực tháng đầu năm 2018. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tăng đến 53,4 điểm, cao nhất ASEAN, cao hơn cả Hàn Quốc, Trung Quốc, điều này thể hiện niềm tin lớn của người tiêu dùng và xã hội. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,9%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,8%, đây là những động lực cho tăng trưởng GDP. Khách du lịch quốc tế tăng đến 42%, đạt trên 1,4 triệu lượt người. DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao. Trong đó có 10.800 DN thành lập mới và có thêm trên 4.500 DN quay trở lại hoạt động. Dự trữ ngoại hối tăng lên gần 57 tỷ USD. Văn hóa, xã hội, được đặc biệt quan tâm thời gian qua, nhất là đối với vùng khó khăn, vùng thiên tai. Mở đầu năm mới tốt hơn cùng kỳ năm 2017 với ấn tượng mạnh mẽ về một số chỉ tiêu, nhất là những trung tâm kinh tế lớn. |