Người phụ nữ khóc lặng ngày gặp lại ân nhân ở Biệt đội taxi cấp cứu F0

Gia đình chị Kim Anh ngày gặp tài xế Nguyễn Đức Dũng. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

“Mẹ tôi phải nhập viện hồi đầu tháng 8. Ngày đó, xung quanh gia đình tôi ca nhiễm nhiều lắm, người mất cũng nhiều. Mẹ tôi nhập viện rồi mất hồi cuối tháng 8. Thời gian đó, mọi người đều sợ, sợ tiếp xúc, sợ tới gần, nhưng có những người xa lạ đã đến giúp đỡ gia đình, họ chẳng anh em họ hàng gì nhưng thấy mẹ tôi vậy họ tới đưa bà đi bệnh viện, động viên bà, chẳng nề hà nguy hiểm. Di nguyện của mẹ là phải gặp bằng được để cảm ơn người tài xế tốt bụng đã giúp mẹ tới bệnh viện ngày hôm ấy”- chị Kim Anh nói trong nước mắt.

Chị là một trong những người có mặt từ rất sớm trong Lễ tri ân vinh danh 141 lái xe Mai Linh trên tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ vừa diễn ra hôm nay (25-2).

Hành trình đi tìm ân nhân

Hơn 100 ngày đã trôi qua kể từ ngày mẹ mất, nhưng kí ức ngày hôm ấy vẫn còn vẹn nguyên trong chị, mà mỗi lần nhớ lại, chị vẫn thấy đau.

“Hôm ấy là ngày 4-8. Xóm tôi bị nhiễm COVID nhiều lắm, người mất cũng nhiều nữa. Em gái tôi là người cùng mẹ đi theo xe taxi vào bệnh viện. Tôi nói với mẹ: mẹ yên tâm đi, mẹ không sao đâu. Mẹ lên đó khám bệnh chữa bệnh cho khoẻ rồi mẹ về. Ráng bình tĩnh vậy chớ tôi run lắm, tôi dặn nhỏ em gái: nhớ nói chuyện với mẹ, đừng để mẹ ngủ vì sợ mẹ hôn mê. Mẹ đi viện 7 ngày, sau đó bệnh trở nặng nên chuyển lên bệnh viện thu dung 16 điều trị thêm mười mấy ngày nữa. Sau đó thì gia đình hay tin mẹ mất, biết vậy thôi, chứ cũng không được gặp mẹ lần cuối…”- chị Kim Anh thần người nhớ lại.

Ông Hồ Huy- Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh và ông Nguyễn Hoài Nam (Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM) trao tặng hoa và bằng khen tri ân những tài xế dũng cảm. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Di nguyện của người mẹ quá cố là phải tìm bằng được người tài xế giúp mình hôm ấy để “cảm ơn người ta”. Nhưng tìm ở đâu khi ngày ấy, người người khẩu trang kín mít, bộ đồ bảo hộ trắng che kín người, và ai ai cũng lo lắng rệu rã. Tình cờ chị đọc được bài báo, hình ảnh địa chỉ đúng là nhà chị rồi. Vậy là gia đình chia nhau đi tìm.

“Gia đình tôi đi khắp các khu dã chiến để tìm anh lái xe Nguyễn Đức Dũng và bạn sinh viên y khoa Nguyễn Minh Hoàng để thay mẹ nói lời cảm ơn như di nguyện của mẹ. Lúc đầu tôi đến gặp cảm ơn, anh bất ngờ lắm, anh nói anh chở nhiều quá nên không nhớ hết được. Lúc đại dịch cam go như vậy, có mấy ai can đảm dám chở F0 như vậy, nhiều người biết có F0 còn không dám tiếp xúc, còn như anh Dũng, anh Hoàng có quen biết gì mình đâu, họ không màng tính mạng hi sinh như vậy, gia đình tôi suốt đời mang ơn”- chị Kim Anh nhớ lại.

83 ngày đêm đau thương và tự hào

Cuộc sống bình thường mới đã trở lại nhiều tháng nay nhưng khi nhìn lại những hình ảnh Biệt đội taxi cấp cứu F0 trong đại dịch bùng phát lần thứ 4, nhiều người vẫn nghẹn ngào. Kí ức của những ngày tháng đau thương ấy luôn ở trong tim hàng triệu người dân thành phố. Đau thương đó, mất mát đó nhưng cũng rất tự hào bởi sự cống hiến, quên mình của hàng triệu y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch, của những bác tài Biệt đội taxi cấp cứu F0…

Những kí ức không thể nào quên. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Lễ tri ân vinh danh 141 tài xế Mai Linh trên tuyến đầu chống dịch. Ảnh: NGUYỄN TRÀ

“Là một người cựu chiến binh, tôi không thể nào ngồi yên khi có thể cứu được người mà không cứu. Ngồi yên khi thành phố đau thương như vậy, tôi làm không được. Chúng tôi dùng hết khả năng của mình để chung tay cùng thành phố”- ông Hồ Huy- Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh nói ngắn gọn.

Chở người nhiễm COVID đã nguy hiểm, chở người bị tâm thần nhiễm COVID còn nguy hiểm hơn. Đó là câu chuyện của tài xế Nguyễn Đức Dần. Chạy xe từ những  năm 1998, quen thuộc từng hẻm hóc ở Sài Gòn, ngày công ty kêu gọi tìm tài xế tình nguyện chở cấp cứu F0, ông chẳng ngần ngại, đăng kí tham gia ngay. Hơn 2 tháng gắn bó với công việc chở F0, ông chẳng nhớ nổi mình đã chở bao nhiêu bệnh nhân, mỗi chuyến đi là một câu chuyện, cứu được một người, đưa bệnh nhân đến kịp bệnh viện… là những niềm vui góp nhặt.

“Mỗi ngày, tôi chở hơn chục bệnh nhân. Có lần tôi chở bệnh nhân tâm thần nhiễm COVID trên đường Bà Hom quận 6, người nhà ở trên lầu nhờ tôi đưa xuống vì người này không nghe người nhà mà la hét, còn vác dao đòi chém. Tôi lên bảo tôi là bác sĩ đưa người này đi khám bệnh. Vì tôi mặc đồ bảo hộ trắng với tôi đoán bệnh nhân chỉ tâm thần nhẹ nên bệnh nhân nghe tôi mà chịu đi xuống cùng”- anh Dần nhớ lại.

Những ngày tháng không thể nào quên của Biệt đội taxi cấp cứu F0. Ảnh: NGỌC NỮ

Tình trạng bệnh nhân nôn ói, tiêu tiểu mất kiểm soát trên xe nhiều vô kể. Không ít trường hợp, khi tài xế của Biệt đội cấp cứu F0 tới nơi, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng nguy kịch, chỉ số SpO2 xuống thấp, tài xế phải cõng bệnh nhân lên xe cấp cứu. Nhưng cũng có những cuộc gọi, lái xe chỉ chạy được một nửa chặng đường phải quay về bởi “người nhà vừa gọi báo lại là bệnh nhân mất rồi”.

Ông Nguyễn Duy Long- Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 chia sẻ khi xem lại những thước phim về Biệt đội taxi cấp cứu F0, ông vẫn xúc động nguyên vẹn cảm xúc.

“Trong thời kì dịch bệnh phức tạp, các tài xế xung phong lao vào mặt trận trực tiếp chống dịch hiểm nguy, cấp cứu vận chuyển rất nhiều ca F0 vào bệnh viện,  góp công sức rất lớn cho thành phố trong công tác phòng chống dịch. Mô hình taxi cấp cứu sáng tạo đã giải quyết khối lượng công việc lớn trong cuộc chiến chưa có tiền lệ. Tôi rất cảm ơn các anh em lái xe taxi Mai Linh”.

“Biệt đội taxi cấp cứu F0” ra đời trong những dịch bệnh căng thẳng. Hơn 100 tài xế taxi Mai Linh tình nguyện xung phong vào những điểm nóng… chở F0 đến bệnh viện điều trị suốt 83 ngày đêm.

Tham dự lễ tri ân vinh danh 141 tài xế Mai Linh trên tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ sáng nay có ông Nguyễn Hoài Nam (Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM), ông Võ Khánh Hưng (Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, ông Nguyễn Duy Long – Giám đốc trung tâm cấp cứu 115),… cùng nhiều lãnh đạo ban, ngành, hội và hơn 100 lái xe tình nguyện cùng đội ngũ y tế trực tiếp vận chuyển F0 trong giãi đoạn dịch bệnh căng thẳng vừa qua. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm