Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và vợ là Đệ nhất phu nhân Brigitte Macron ngày 23-4 đến Mỹ trong chuyến thăm chính thức cấp nhà nước kéo dài ba ngày. Lễ đón và buổi tiếp chính thức sẽ diễn ra ngày 24-4 (giờ địa phương). Ngày 25-4, ông Macron sẽ có bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ - một sự kiện hiếm hoi kể từ khi Tổng thống Pháp Charles de Gaulle phát biểu trước Quốc hội Mỹ 58 năm trước.
Trong ngày 23-4, vợ chồng Tổng thống Macron đã đến Nhà Trắng thăm vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai lãnh đạo Mỹ-Pháp và hai Đệ nhất phu nhân cùng ra sân Nhà Trắng trồng một cây sồi con – quà tặng của ông Macron – được bứng từ Bắc Paris, nơi 9.000 quân Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Thế giới thứ nhất.
Vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump và vợ chồng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trồng cây trong vườn Nhà Trắng ngày 23-4. Ảnh: NEW YORK TIMES
Chuyến thăm của Tổng thống Pháp Macron là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên Tổng thống Trump đón tiếp sau hơn một năm nhậm chức. Có thể nói ông Macron thành công hơn nhiều lãnh đạo châu Âu khác trong xây dựng quan hệ với ông Trump, khi mời ông Trump sang Pháp dự lễ diễu binh mừng Quốc khánh và đãi tiệc tối ông trên đỉnh tháp Eiffel năm ngoái.
Theo CNN, đến Mỹ lần này ông Macron mang cả sứ mệnh quan trọng từ châu Âu. Tại Mỹ, ông Macron sẽ không bỏ qua cơ hội thuyết phục ông Trump về Iran, thương mại, biến đổi khí hậu, chống khủng bố, đối phó với Nga, trong khi sẽ vẫn cố gắng duy trì quan hệ tốt với lãnh đạo Mỹ.
Ông Macron chủ trương duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran – mà Pháp có vai trò lớn trong việc làm cầu nối - trong khi ông Trump muốn hủy bỏ hoặc ít nhất sửa đổi thỏa thuận theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.
Trả lời phỏng vấn Fox News ngày 22-4, trước khi đến Mỹ, ông Macron khẳng định quyết tâm giữ thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong khi đó ông Trump đã dọa sẽ khôi phục trừng phạt trừ khi có thay đổi lớn trong thỏa thuận. Nhiều tháng nay các quan chức Pháp, Đức, Anh và Mỹ khẩn trương bàn bạc chỉnh sửa thỏa thuận để làm hài lòng ông Trump nhưng vẫn chưa giải quyết được nhiều bất đồng.
Vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) chào đón vợ chồng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng ngày 23-4. Ảnh: REUTERS
Ngày 12-5 là thời hạn ông Trump phải quyết định có gia hạn ngưng trừng phạt Iran theo nội dung thỏa thuận nay không. Một khi không gia hạn, các lệnh trừng phạt Iran sẽ được khôi phục và đồng nghĩa Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Theo thông tin từ CNN thì các quan chức Mỹ đã chuẩn bị cho phương án rút khỏi thỏa thuận.
Ông Macron khả năng lớn cũng sẽ đề nghị ông Trump nhượng bộ châu Âu về thương mại, cụ thể là việc Mỹ tăng mức thuế nhập khẩu lên 25% với các mặt hàng thép và nhôm. Nói với Fox News ngày 22-4, ông Macron hy vọng ông Trump sẽ loại Liên minh châu Âu ra khỏi mức thuế mới. Tuần trước ông Macron đã gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin và bàn chuyện thuyết phục ông Trump từ bỏ các quyết định thương mại đơn phương.
Vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump và vợ chồng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng ngày 23-4. Ảnh: REUTERS
Về xung đột Syria, vài ngày trước ông Macron nói ông đang thuyết phục ông Trump duy trì quân Mỹ ở Syria kể cả sau khi quét sạch hết IS. Tuy nhiên Nhà Trắng nhanh chóng bác bỏ, nói rằng ông Trump vẫn muốn rút quân khỏi Syria sau khi đánh xong IS.
Về thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris, không nhiều hy vọng ông Macron có thể thuyết phục ông Trump thay đổi quan điểm. Năm ngoái ông Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận này, rằng nó không có lợi cho Mỹ.
Theo CNN, với các thực tế trên thì khả năng lớn chuyến thăm của ông Macron chỉ đạt được mục tiêu thể hiện tình hữu nghị giữa hai ông Macron và Trump, cũng như quan hệ lịch sử giữa Mỹ và Pháp.
Đây sẽ là điều đáng buồn với ông Macron vì nếu không thành công ông sẽ phải đối mặt các câu hỏi khó nhằn không chỉ trong nội bộ Pháp mà có thể cả châu Âu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng ngày 23-4. Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng sẽ có chuyến thăm Mỹ vào ngày 27-4, nhưng dự đoán bà sẽ khó khăn hơn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong tiếp xúc với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Hai ông Trump-Marcon thường xuyên điện đàm, thậm chí gần đây ông Macron còn tham gia nã tên lửa vào Syria cùng với Mỹ. Trong khi đó bà Merkel đã không nói chuyện với ông Trump hơn năm tháng nay, vừa rồi lại từ chối tham gia liên quân đánh Syria do Mỹ dẫn đầu.
Trước nữa ông Trump thường xuyên chỉ trích Đức không đáp ứng yêu cầu của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng, không hài lòng chính sách tị nạn cởi mở của Đức.
Thực tế bà Merkel có quan hệ thân thiết với người tiền nhiệm Barack Obama – người mà ông Trump bất đồng ở rất nhiều chính sách cũng làm ông không thoải mái. Trong khi đó ông Macron lại không có quan hệ này, dù ông cũng từng gặp riêng ông Obama thậm chí nhận được ủng hộ của ông Obama thời tranh cử.