Tại đây, 160 HS tiêu biểu đại diện khối các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên của TP chia sẻ và hiến kế những công trình hay, những giải pháp tích cực góp phần xây dựng môi trường học đường ngày càng thân thiện phát triển và hội nhập.
Trăn trở với tình trạng bạo lực học đường vẫn còn xảy ra ở nhiều trường, Võ Trâm Anh - HS Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, phản ánh khi xảy ra sự việc thì các giáo viên thường xử lý rất nghiêm khắc nhưng thiếu quan tâm về tình cảm, tìm hiểu hoàn cảnh vì sao các bạn lại dẫn đến như vậy… Do đó, Trâm Anh kiến nghị, ngoài việc sử dụng các biện pháp kỷ luật nặng như đuổi học, em mong lãnh đạo Sở GD&ĐT TP có những giải pháp như tổ chức các buổi học về văn hóa ứng xử học đường, đề ra những cách tốt nhất để giải quyết các mâu thuẫn học đường... Nhà trường giải quyết các mâu thuẫn theo hướng giúp HS hiểu mình rằng sai và thay đổi để trưởng thành hơn.
Em Nguyễn Nhật Tiến, HS lớp 11 Trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý, cho rằng xe buýt hiện nay rất phổ biến nhưng hay xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, không xếp hàng... Theo Tiến, nên chăng cần tích hợp giáo dục văn hóa ứng xử nơi công cộng trong nhà trường sao cho chuẩn mực và phù hợp.
Một học sinh bày tỏ ý kiến với lãnh đạo Sở GD&ĐT TP tại buổi đối thoại
Một HS ở Trường THPT Võ Thị Sáu cho biết có bạn đi học vì gia đình khó khăn nên mua giày giá rẻ nhưng nhiều bạn giàu có khác trong trường thấy thế nên chọc, rồi nói này nọ, thậm chí chửi vì xài hàng nhái. Rồi bạn này bị áp lực quá nên phải chuyển trường luôn. Em thấy tình trạng phân biệt giàu nghèo trong trường vẫn còn rất nhiều. Vì thế, em mong thầy cô nên có biện pháp hoặc làm sao để các bạn yêu thương nhau hơn, đến trường là để học tập chứ không phải xem xét, so đo nhau về vật chất.
Tại đây, nhiều vấn đề khác cũng đã được các em mạnh dạn nêu lên. Cụ thể như hoạt động tư vấn tâm lý học đường chưa hiệu quả, giáo viên chưa hiểu và quan tâm đến suy nghĩ của HS; việc giáo dục ở nhà trường chưa bám sát tình hình thực tế; học sinh bị ảnh hưởng nhiều vần đề tiêu cực từ mạng xã hội và cư xử chưa chuẩn mực từ người; tình trạng bạo lực học đường vẫn còn tồn tại; thiếu các chương trình và sân chơi giáo dục kỹ năng cho các em … Trong đó, vấn đề HS đề cập và trăn trở nhiều nhất là tình trạng bạo lực học đường còn phức tạp, bị ảnh hưởng nhiều từ mạng xã hội.